Ngày 22-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2023.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng
Báo cáo của Chính phủ đã cho thấy bức tranh kinh tế năm 2022 với nhiều kết quả tích cực, khi GDP năm 2022 tăng 8,02%. Đối với những tháng đầu năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã khái quát tình hình khi nhấn mạnh kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 632,5 ngàn tỉ đồng, bằng 39% dự toán năm; xuất siêu 7,56 tỉ USD. Giải ngân vốn đầu tư công tăng 15 ngàn tỉ đồng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, Chính phủ đã thẳng thắn chỉ rõ, tăng trưởng GDP quý I/2023 thấp hơn cùng kỳ, khi chỉ đạt 3,02%. Trong đó, nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Phạm Thắng
Chính phủ cho biết đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để giảm bớt khó khăn về dòng tiền, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết do tích tụ bất cập nhiều năm, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh số liệu tăng trưởng chung của quý I/2023 cho thấy nền kinh tế thực sự đang rất khó khăn.
Ủy ban Kinh tế bày tỏ quan ngại khi các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước đã có mức sụt giảm kinh tế như Bắc Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi...
Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm... tiếp tục là những thách thức rất lớn cho nền kinh tế. Cùng với đó, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng, xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Thực trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp.
Thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền là những nội dung lớn được Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn.
Theo cơ quan thẩm tra, nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn dẫn đến chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, nhất trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn (khối lượng đáo hạn trong năm 2023 là gần 290 ngàn tỉ đồng), tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường trong thời gian tới.
Theo Ủy ban Kinh tế, tình trạng ùn tắc đăng kiểm phương tiện giao thông trong thời gian qua cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Hàng loạt trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra, dẫn đến tình trạng ùn ứ trong công tác kiểm định, đặc biệt là tại Hà Nội.