Sáng 22-5, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình đã trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Bức xúc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc sai quy định
Theo đó, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội đã có 2.593 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, có 2.589 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,8%.
Cạnh đó, ông Bình cũng chỉ rõ một số hạn chế, cụ thể: mặc dù quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng do cơ quan nhà nước thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật nhưng đến nay kiến nghị cử tri vẫn chưa được giải quyết.
Cử tri tỉnh Cao Bằng đề nghị giải quyết việc chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa được tính thời gian để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Qua giám sát cho thấy theo quy định của pháp luật, chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng từ tháng 1-2003 đến tháng 12-2021, cơ quan bảo hiểm xã hội tại nhiều địa phương đã thu bắt buộc đối với các trường hợp này.
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tại thời điểm tháng 9-2016 đã có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Do việc thực hiện không đúng quy định của pháp luật nên các chủ hộ kinh doanh cá nhân chưa được tính thời gian đã đóng bắt buộc để hưởng chế độ, đặc biệt có nhiều trường hợp đã đóng được gần 20 năm.
Điều này đã khiến người dân bức xúc, một số trường hợp đã làm đơn khiếu nại, thậm chí khởi kiện bảo hiểm xã hội ra tòa án.
Ông Bình nêu rõ, việc thu bắt buộc không đúng đối tượng thuộc trách nhiệm của ngành bảo hiểm xã hội, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của chủ hộ kinh doanh.
Từ đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, rà soát, đánh giá việc thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể trên phạm vi toàn quốc, trình Chính phủ phương án giải quyết dứt điểm.
Đồng thời chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam rút kinh nghiệm, tránh để xảy ra những sai sót...
Chuyển biến chậm khiến cử tri vẫn bức xúc
Cùng với đó, theo ông Bình, một số kiến nghị cử tri đã được các bộ, ngành tiếp thu và đã triển khai nhiều biện pháp giải quyết nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị.
Cụ thể, từ kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV (2018) đến nay, cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo sửa chữa, hoàn trả các tuyến đường dân sinh đã được sử dụng để vận chuyển vật liệu xây dựng trong quá trình thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Song qua giám sát cho thấy dự án do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư, đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi đã sử dụng 23 tuyến đường của địa phương với tổng chiều dài 55,6km phục vụ thi công dự án.
Các nhà thầu mới sửa chữa, hoàn trả được 7/23 tuyến đường với tổng chiều dài 20,4km. Đối với 16 tuyến đường còn lại với tổng chiều dài 35,2km chưa được nhà thầu sửa chữa, hoàn trả, địa phương đã tiến hành nâng cấp, mở rộng 12 tuyến đường với tổng chiều dài 30,6km.
Hiện còn 4 tuyến đường với chiều dài 4,6km chưa được nhà thầu sửa chữa, địa phương cũng chưa nâng cấp cải tạo.
Mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam yêu cầu các nhà thầu thực hiện sửa chữa, hoàn trả các tuyến đường nêu trên nhưng vẫn chưa hoàn thành.
Cũng theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, dự án đã được bố trí kế hoạch vốn ngân sách nhà nước để tiếp tục thực hiện một số hạng mục chưa hoàn thành theo mục tiêu ban đầu.
Tuy nhiên, từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, kiến nghị cử tri vẫn chưa được giải quyết, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân. Do đó, báo cáo kiến nghị bộ chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề này trong năm 2023.
Ông Đỗ Văn Chiến nêu rõ chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm cho xã hội tốt đẹp thêm, mọi thứ tốt lên, chứ không thể đổ lỗi vì sợ, không dám làm.