Cung vượt cầu, nông sản bị ép giá, thậm chí là bán tống, bán tháo hay đổ bỏ, đây là câu chuyện năm nào bà con nông dân cũng gặp phải khi vào chính vụ các loại trái cây chủ lực như vải hay nhãn. Tuy nhiên từ vài năm trở lại đây, tại một số tỉnh canh tác trọng điểm như Sơn La hay Hưng Yên, phương pháp áp dụng khoa học thu hoạch trái cây rải vụ (sản xuất trái cây chín sớm hoặc chín muộn) đã cơ bản giải quyết được nỗi lo tiêu thụ nông sản chính vụ.
Còn 3 tháng nữa mới đến vụ thu hoạch, nhưng tại xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, Sơn La, đã có quả và những chùm nhãn sẽ được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Lần thứ 4 cho ra hoa đậu quả chín sớm, nên việc chăm sóc luôn được chủ vườn theo dõi liên tục.
Về chất lượng, những chùm nhãn chín sớm quả to, cùi dày, mọng nước. Chính vì vậy, giá bán của nhãn trái vụ luôn cho bà con thu về cao gấp 2 - 3 lần so với nhãn chính vụ.
Để thay đổi được lịch thu hoạch, từ 5 năm trước tỉnh Sơn La đã triển khai ghép giống nhãn T6 của Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương để cải tạo thành nhãn chín sớm. Hiện nay, tính riêng trên địa bàn huyện Sông Mã có gần 1.000 ha cho thu hoạch trước vụ.
Giá mỗi kg nhãn chín sớm đang dao động từ 40.000 - 60.000 đồng/kg. (Ảnh: Dân trí)
"Đã dùng sản phẩm của chúng tôi thì hầu như quay lại đặt hàng. Có những ngày chúng tôi không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường", anh Lường Văn Mười, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Hoa Mười, chia sẻ.
Với áp lực tiêu thụ hơn 100.000 tấn nhãn mỗi khi vào vụ, cùng thời điểm thu hoạch với nhiều địa phương như Hưng Yên và các tỉnh phía Nam, việc có nhãn chín sớm giúp Sơn La giải quyết khâu tiêu thụ nhanh cho 20% sản lượng ngay từ thời điểm này.
Nhãn chín sớm được xuất hiện trên các chuyến bay để xuất khẩu sang thị trường EU, cũng là sự khẳng định cho chất lượng của sự cải tiến.
Năm 2022, hơn 2 tấn nhãn của Sông Mã đã được bán với giá gần 350.000 đồng/kg tại châu Âu, gấp 10 lần giá trong nước.
Đảm bảo chất lượng nông sản chín sớm
Với năng suất giống nhãn T6 chín sớm tại các điểm khảo nghiệm đạt gần 34 kg/cây, độ ngọt đảm bảo nên chất lượng không kém so với các giống nhãn thu hoạch chính vụ. Tuy nhiên để có thể có được chất lượng đồng đều trên toàn bộ các diện tích đã chuyển đổi đòi hỏi người nông dân phải thực sự am hiểu quy trình chăm sóc cũng như nắm bắt được đặc điểm của giống chín sớm để đảm bảo ra hoa, đậu quả đúng thời điểm.
Cầm tay chỉ việc, đây là việc các cán bộ khuyến nông tỉnh Sơn La đã làm trong nhiều năm qua khi bắt đầu áp dụng chuyển đổi hàng trăm ha nhãn chín sớm trên địa bàn.
Nắm bắt được kỹ thuật, có kinh nghiệm chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình là yếu tố quyết định sự thành công như hôm nay của giống nhãn này.
Ở phía Bắc, nhãn được trồng tập trung ở một số tỉnh gồm: Lào Cai, Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nội. Trong đó, Sơn La và Hưng Yên là 2 tỉnh có diện tích trồng và sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng gần 60.000 tấn.
Giá mỗi kg nhãn chín sớm đang dao động từ 40.000 - 60.000 đồng/kg là điều khiến nhiều người muốn chuyển đổi.
Ngày mùa đã nhàn hơn rất nhiều với những người nông dân ở Chiềng Khoong, không còn nỗi lo cạnh tranh, không còn nỗi lo ép giá, hái đến đâu thương lái thu mua đến đó. Đây là điều chắc chắn người nông dân nào cũng mong muốn khi nông sản vào chính vụ thu hoạch.
VTV.vn - Theo các chuyên gia, để duy trì được chỗ đứng cho quả nhãn tươi tại Nhật Bản đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nhiều.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.68871652122503202-uv-hnihc-nal-3-pag-oac-aig-mos-nihc-nahn/et-hnik/nv.vtv