Tiếng Anh triết học trong một cuộc thi
Junior Philosophy Olympiad (JPO) 2023 - cuộc thi tiếng Anh triết học cho học sinh Việt Nam từ lớp 4 đến lớp 9 lần đầu tiên do Trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) phối hợp với National Geographic Learning Việt Nam triển khai thu hút sự quan tâm của học sinh ở nhiều trường học tại Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa…
Bắt đầu từ tháng 4 và vòng chung khảo diễn ra vào ngày 21-5 với bốn đội thi thuộc bảng Griffin (dành cho lớp 4-6) và bảng Olympia (dành cho học sinh lớp 7-9).
Trước đó, ở mỗi bảng sẽ có bốn đội tham gia viết bài luận theo chủ đề được ban tổ chức đưa ra, làm trong 90 phút. Mỗi cá nhân của một đội thi nhận một phần nội dung để có thể hợp lại thành một tổng thể hài hòa, làm rõ luận điểm chung của cả đội.
Dựa trên các tiêu chí sáng tạo, logic và độ chính xác của ngôn ngữ, phong cách viết, ban giám khảo sẽ chọn 2/4 đội ở mỗi bảng vào chung kết.
Tại phần tranh luận, trả lời câu hỏi trực tiếp liên quan tới các tình huống giả định, các đội phải có tư duy, phản ứng nhanh, lập luận thuyết phục và dĩ nhiên khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt.
Nói về cuộc thi khá lạ này, TS Nguyễn Chí Hiếu, trưởng ban giám khảo, chia sẻ: Nhiều người sẽ mặc định cuộc thi liên quan tới "triết học" là đề cập đến những gì cao siêu mà trẻ con khó thẩm thấu được. Nhưng thực chất đó chỉ là cách nhìn nhận một cách bản chất về những vấn đề cụ thể trong cuộc sống.
Ví dụ, thế nào là đẹp? Thế nào là kiến thức? Vì sao chúng ta phải học? Tùy theo độ tuổi, trải nghiệm, hoàn cảnh khác nhau sẽ có cái nhìn khác nhau. Trẻ em còn non nớt nhưng vẫn có thể gieo những hạt mầm. Khi trẻ lớn lên, có các trải nghiệm ở trường, ở nhà, trong cuộc sống, các bạn ấy có thể trả lời câu hỏi đã được gieo trong đầu và dần hình thành thế giới quan, nhân sinh quan của mình.
"Ở đây triết học quay về những vấn đề bản chất nhất của con người, của cuộc sống. Tôi tin rằng các bạn nhỏ bây giờ hoàn toàn có thể làm được điều đó", ông Hiếu đánh giá.
Những tình huống giả định thú vị
Một cậu bé được bố mẹ tặng một chú chó Pháp bulldog dễ thương nhưng cậu bé lại muốn giải cứu một chú chó đường phố. Cậu bé muốn bố mẹ ủng hộ trong việc cho chú chó đường phố một mái ấm yêu thương.
Và câu hỏi tranh luận được đặt ra là giá trị của việc nuôi một con chó đắt tiền khác với việc nhận nuôi một con chó bị bỏ rơi như thế nào? - Đây là một trong những tình huống được đặt ra cho đội thi tiếng Anh triết học.
Đội Apex Predator, đội thắng cuộc thuộc bảng lớp 7-9 gồm các học sinh của trường Vin School, bảng Olympia nhận được câu hỏi giáo viên có nên ưu tiên phát triển động lực bên trong của học sinh không bằng cách thay đổi cách đánh giá truyển thống là cho điểm số?
Trong đề bài cho đội thi có đưa ra ý kiến của hai nhóm giáo viên: Ủng hộ cách cho điểm số trong môn toán và nhóm ủng hộ việc đánh giá "đạt - không đạt". Nhóm học sinh bày tỏ quan điểm về việc nên có đánh giá điểm số vì cho rằng với môn toán, cách đánh giá này chính xác, khách quan, giúp học sinh biết rõ khả năng của mình, tạo động lực…
Đội The Guardian Owls, nhất bảng lớp 4-6 gồm những học sinh đến từ các trường phổ thông ở Hải Phòng, nhận được câu hỏi về tình huống một học sinh phải đấu tranh giữa việc tuân theo chính sách ăn uống lành mạnh của trường hay duy trì sở thích cá nhân.
Đội thi cho rằng việc lựa chọn đồ ăn lành mạnh là xu thế cần khuyến khích. Nhưng muốn quy định có tính khả thi thì nên có các giải pháp để học sinh thấy hợp lý, tự nguyện. Ví dụ không cấm học sinh sử dụng đồ ăn ngoài danh mục "đồ ăn lành mạnh" của trường, mà chỉ khuyến cáo hạn chế, gợi ý đồ ăn lành mạnh có thể thay thế những đồ ăn yêu thích nhưng không có lợi cho sức khỏe…
Chia sẻ sau cuộc thi, Dương Hoàng Quỳnh Anh (đội Apex Predator) nói hóa ra triết học là những gì gần gũi với xung quanh chứ không hàn lâm như các em tưởng trước đó. Thậm chí, những chủ đề của cuộc thi khá thiết thực như các vấn đề giao tiếp trong gia đình, điểm số học tập. Một cuộc thi để rèn giũa khả năng tiếng Anh nhưng lại cho các em những trải nghiệm, hiểu biết về cách nhìn nhận vấn đề cuộc sống.
TTO - Những bộ quần áo treo đầy tường, những bộ máy may…, nhìn vào những vật dụng đó, ai cũng sẽ nghĩ đang bước chân vào một tiệm may. Nhưng kỳ thực đây lại là một lớp học tiếng Anh đặc biệt dành cho các cụ đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”.
Xem thêm: mth.35155402122503202-iv-uht-gnouh-hnit-gnuhn-iov-me-ert-coh-teirt-hna-gneit-iht/nv.ertiout