Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, trong tháng 4/2023, các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp Cà Mau tiếp tục ổn định và phát triển. Lũy kế một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng trưởng so cùng kỳ như, tổng sản lượng thủy sản tăng 3,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 17,8%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9% và sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng; thu ngân sách đạt 35,8% kế hoạch; các thiết chế văn hóa được quan tâm thực hiện, hoạt động du lịch có nhiều chuyển biến tích cực; công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt…
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh trong tháng 4/Q2023 tăng 16,4% so với tháng cùng kỳ năm trước, lũy kế 4 tháng đầu năm tăng 7,9% so cùng kỳ. Trong đó, các sản phẩm chủ yếu: sản lượng chế biến tôm ước đạt 16.494 tấn, lũy kế ước đạt 71.615 tấn, bằng 35,8% kế hoạch, tăng 3,2% so cùng kỳ; sản lượng khí thương phẩm ước đạt 152 triệu m3, lũy kế ước đạt 578 triệu m3, bằng 39,9% kế hoạch, tăng 31,4% so cùng kỳ; sản lượng điện sản xuất ước đạt 562 triệu kWh, lũy kế ước đạt 2.120 triệu kWh, bằng 43,3% kế hoạch, tăng 49,1% so cùng kỳ; sản lượng khí hóa lỏng ước đạt 12.815 tấn, lũy kế ước đạt 48.143 tấn, bằng 42,2% kế hoạch, tăng 42,2% so với cùng kỳ; sản lượng phân bón ước đạt 116.765 tấn, lũy kế ước đạt 409.153 tấn, bằng 40,9% kế hoạch, tăng 8,8% so với cùng kỳ.
Hãy thay đổi cách nhìn về Cà Mau để làm động lực phát triển. Không nhìn Cà Mau là điểm cuối để về sau mà là điểm đầu, mở ra xu thế hội nhập, đó là cảng biển, đó là sân bay, cần tháo gỡ mang tầm nhìn chiến lược để phát triển nhanh, bền vững.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau
Về đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư, Cà Mau có nhiều khởi sắc, đến cuối tháng 4/2023, vốn đầu tư công giải ngân 1.120,6 tỷ đồng, bằng 26,2% kế hoạch; cùng kỳ năm 2022 giải ngân 615,1 tỷ đồng, bằng 17,3% kế hoạch; trong đó, vốn ngân sách tập trung do tỉnh quản lý 19%; vốn xổ số kiến thiết 30% (vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 31,5%; vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện 02 Chương trình mục tiêu quốc gia còn lại chưa giải ngân); vốn đầu tư từ ngân sách huyện, thành phố 47,2%; vốn đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất do tỉnh quản lý 6,6%; vốn ngân sách trung ương trong nước 23% (vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 4,7%, vốn Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 15,8% và vốn đầu tư theo ngành, lĩnh vực 29,9%); vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2022 bằng 31,9%).
Có thêm 73 doanh nghiệp thành lập mới, từ đầu năm đã cấp 194 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, với số vốn đăng ký trên 900,1 tỷ đồng; có 57 doanh nghiệp giải thể tự nguyện, 178 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (cùng kỳ cấp 249 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, vốn đăng ký trên 6.688 tỷ đồng, 41 doanh nghiệp giải thể tự nguyện, 61 doanh nghiệp đã tạm ngưng hoạt động).
Lũy kế từ đầu năm đến nay có 3 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 228,7 tỷ đồng; cùng kỳ có 5 dự án mới, với tổng vốn đăng ký trên 990,2 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 441 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 144.724,9 tỷ đồng (trong đó có 9 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 153,4 triệu USD). UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, kiểm tra (kể cả kiểm tra các quy trình, hồ sơ, thủ tục hành chính...) các công trình, dự án đã giao cho nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh; xem xét, thu hồi công trình, dự án không đảm bảo điều kiện, tiến độ theo quy định.
Tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm cũng khả quan: Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua TP. Cà Mau đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đạt tiến độ đề ra.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình Hành động số 01/CTr- UBND ngày 19/01/2023 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023; Chỉ thị của UBND tỉnh về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ; Kế hoạch phát động phong trào thi đua nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ; tập trung rà soát, đánh giá chính xác các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của từng ngành, lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực trọng tâm, then chốt; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ ở mức cao nhất.
Cà Mau đã và đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh đã được thẩm định ngày 19/4/2023 để tiếp tục thực hiện các trình tự thủ tục tiếp theo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau.
Tạo thêm nguồn lực để tăng tốc
Ngày 10/5/2023, đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm Trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát thực tế tình hình sạt lở và làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau về kiểm tra tiến độ các công trình ứng phó biến đổi khí hậu tại tỉnh, tình hình sản xuất - kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu của tỉnh Cà Mau.
Thị sát tình hình sạt lở tại thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn), Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, trong thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ nguồn lực từ Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, địa phương đã đầu tư xây dựng hoàn thành 56,7 km kè bảo vệ với tổng kinh phí 1.848 tỷ đồng.
Những công trình được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000 ha rừng phòng hộ. Tuy nhiên, do tốc độ sạt lở diễn ra nhanh và phức tạp, kết quả rà soát cho thấy, tổng chiều dài bờ biển Cà Mau đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 100 km, với các mức độ khác nhau; với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới sạt lở sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất, rừng phòng hộ ven biển đã được hình thành qua hàng trăm năm.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, sạt lở bờ biển làm mất hơn 5.200 ha rừng ven biển, sạt lở bờ sông làm hư hỏng gần 26km lộ giao thông và 237 căn nhà… tổng thiệt hại ước khoảng 1.100 tỷ đồng. Do đó, cần khẩn cấp xây dựng hệ thống kè bảo vệ bờ biển, nếu làm chậm, Cà Mau sẽ mất thêm đất đai và rừng phòng hộ nhiều hơn, khó khả năng phục hồi, bù đắp.
Do vậy, Cà Mau kiến nghị Chính phủ cho phép tỉnh xây dựng Đề án đầu tư kè phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ vốn từ nguồn dự phòng ngân sách phòng, chống thiên tai của Trung ương để thực hiện, mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành các công trình kè những đoạn bờ biển, bờ sông bị sạt lở nguy hiểm.
Theo UBND tỉnh, Dự án thí điểm về kêu gọi đầu tư ven biển sẽ không theo các quy định về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng, quy hoạch năng lượng hiện hành. Nếu được chấp thuận thì sau khi triển khai, Cà Mau sẽ cùng các bộ, ngành Trung ương liên quan tổng kết, đánh giá, đề xuất các cơ chế, chính sách, sửa đổi các quy định pháp luật cho phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình mới.
Về hạ tầng giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Huỳnh Quốc Việt kiến nghị nâng cấp sân bay Cà Mau đáp ứng nhu cầu khai thác dòng tàu bay cỡ lớn (sân bay hạng 4C) kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước; sớm nâng cấp, mở rộng tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1; sớm có chủ trương xây dựng tuyến cao tốc đến vùng ven biển huyện Ngọc Hiển, kêu gọi và khai thác Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải, hạ tầng giao thông chính là điểm nghẽn ảnh hưởng lớn đến phát triển của tỉnh trong nhiều năm liền, nhất là kinh tế biển, thế mạnh của tỉnh còn rất nhiều tiềm năng cần tạo điều kiện vực dậy và khai thác hiệu quả hơn.
“Hãy thay đổi cách nhìn về Cà Mau để làm động lực phát triển. Không nhìn Cà Mau là điểm cuối để về sau mà là điểm đầu, mở ra xu thế hội nhập, đó là cảng biển, đó là sân bay, cần tháo gỡ mang tầm nhìn chiến lược để phát triển nhanh, bền vững”, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau chia sẻ.
Đề cập đến vấn đề cốt lõi trong quy hoạch tỉnh, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, tỉnh không nên bó buộc vào những con số, mà phải có tư duy, tầm nhìn và không gian mở, trong đó quan trọng là chuyển đổi đất, đặc biệt là đất lâm nghiệp, vừa bảo vệ phát triển rừng nhưng vừa đảm bảo phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện đời sống người dân với tán rừng, qua đó nhằm nâng cao nhận thức người dân bảo vệ rừng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chỉ đạo các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới… Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan trong đoàn công tác của Chính phủ tổng hợp đầy đủ, sau buổi làm việc phải có báo cáo cụ thể đến cấp trên xử lý trong thẩm quyền bộ, ngành phụ trách, giúp Cà Mau tháo gỡ các khó khăn, nút thắt, điểm nghẽn để cà Mau tăng nguồn lực khai thác hiệu quả tiềm năng và phát triển kinh tế- xã hội địa phương.