Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications, các nhà nghiên cứu từ Đại học Rochester (Mỹ) đã sử dụng các tinh thể zircon nhỏ bé để "mở khóa" thông tin về magma và hoạt động kiến tạo mảng ở Trái Đất sơ khai.
Trái Đất thuở sơ khai đã sớm có hoạt động kiến tạo - Ảnh đồ họa từ SCITECH DAILY
Kiến tạo mảng - hoạt động địa chất quy mô lớn mà trong đó các mảnh vỏ của Trái Đất không ngừng chìm xuống, trồi lên, trượt lên nhau - cung cấp các nguyên tố quan trong tự bên trong sâu thẳm lên bề mặt Trái Đất, kiểm soát chu trình nước và carbon của hành tinh, giúp sự sống được ra đời và bảo tồn.
Nó khiến bề mặt hành tinh liên tục thay đổi, với các lục địa được gom thành một rồi lại phân tách, các đại dương cũng vậy.
Nó cũng để lại dấu vết thông qua cách các loại đá nóng chảy thành magma, trộn lẫn vào nhau. Thành phần hóa học của magma có thể kể ra lịch sử chi tiết của hoạt động kiến tạo. Chúng biến thành đá theo thời gian, và bên trong đó có các tinh thể nhỏ bé gọi là zircon.
Các zircon lâu đời nhất mà họ phân tích cho thấy tuổi đời đáng kinh ngạc, từ 3,8 đến 4,2 tỉ năm.
Điều này cho thấy Trái Đất bắt đầu có hoạt động kiến tạo lâu hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây. Vậy giả thuyết sự sống có thể ra đời từ hơn 4 tỉ năm trước từng được một số nhà khoa học Úc chỉ ra khi nghiên cứu các phiến đá cổ chứa vật liệu sinh học, là hoàn toàn có cơ sở.
Cách mà Trái Đất bắt đầu kiến tạo mảng và phương pháp mà các nhà khoa học đang dùng để nắm bắt các sự kiện kiến tạo cổ xưa đó cũng là nền tảng để nhân loại có thể tìm kiếm điều tương tự ở một hành tinh khác: Nếu có bằng chứng về kiến tạo, có thể nó có sự sống.
Ngoài ra, điều này cũng cho thấy một hành tinh hoàn toàn có thể sinh ra sự sống khi còn là một khối cầu non trẻ nóng rực.
Nghiên cứu được thực hiện dưới sự tài trợ của Quỹ khoa học quốc gia Mỹ và NASA.