Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo. Đồng chí Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Ủy viên Hội đồng Lý luận Bộ Công an, Giám đốc Học viện Chính trị CAND, Trưởng Tiểu ban Lý luận chính trị và xây dựng lực lượng CAND đồng chủ trì điều hành Hội thảo.
Cùng dự Hội thảo có Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; đại diện các bộ, ban ngành Trung ương; lãnh đạo các Cục, đơn vị chức năng của Bộ Công an, Công an một số đơn vị địa phương cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thực tiễn trong lực lượng CAND.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại Hội thảo. |
Báo cáo đề dẫn Hội thảo nhấn mạnh: Vấn đề an ninh con người (ANCN) đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới đề cập từ khá lâu trong các văn bản quy phạm pháp luật. Trong xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế ngày nay, thuật ngữ và nội hàm khái niệm ANCN đã trở thành mối quan tâm của các quốc gia. Khái niệm ANCN lần đầu tiên được Chương trình phát triển của Liên hợp quốc sử dụng vào năm 1994 trong báo cáo về phát triển con người.
Tại Việt Nam, thuật ngữ ANCN được Đảng ta lần đầu tiên đề cập tại Văn kiện Đại hội XII. Đến Đại hội XIII, vấn đề ANCN người tiếp tục được Đảng ta đề cập dưới nhiều phạm vi, góc độ khác nhau song tựu trung lại đều khẳng định ANCN có vị trí, ý nghĩa vô cùng quan trọng, có liên quan mật thiết với an ninh quốc gia; bảo đảm ANCN gắn chặt với bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, ANCN là vấn đề mang tính toàn cầu, không một quốc gia, lực lượng đơn lẻ nào có thể bảo đảm được một cách đầy đủ nhất ANCN mà đòi hỏi phải có sự hợp tác, cộng đồng trách nhiệm. Cùng với các yếu tố an ninh truyền thống đe dọa ANCN như chiến tranh, xung đột vũ trang thì các yếu tố phi truyền thống như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, hạn hán, lũ lụt cũng ngày càng tác động tiêu cực, đe dọa ANCN, gây mất ổn định xã hội trên phạm vi toàn cầu.
Trung tướng Phan Xuân Tuy phát biểu tại Hội thảo. |
Với vai trò nòng cốt trong bảo đảm an ninh, trật tự, lực lượng CAND đã tổ chức, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả tinh thần, nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó có vấn đề bảo đảm ANCN, an ninh xã hội; tổ chức triển khai đồng bộ nhiều lực lượng, phương tiện, biện pháp, huy động sức mạnh của toàn thể các bộ, ban ngành cùng toàn dân tham gia hoạt động đảm bảo ANCN, an ninh xã hội; góp phần xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn; sẵn sàng chủ động ứng phó những thách thức cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đe doạ ANCN.
Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề bảo đảm ANCN gắn với chức năng, nhiệm vụ của CAND, Học viện Chính trị CAND với vai trò Trưởng Tiểu ban Lý luận chính trị và xây dựng lực lượng CAND đã được Bộ Công an giao tổ chức Hội thảo khoa học cấp hội đồng “Hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh con người”.
Tại Hội thảo, các ý kiến đã tập trung thảo luận, làm rõ những nhận thức cơ bản, mang tính chất lý luận, nghiên cứu cơ bản về ANCN, bảo đảm ANCN, hợp tác quốc tế về bảo đảm ANCN gắn với chức năng, nhiệm vụ của CAND và được cụ thể hóa theo từng góc độ, khía cạnh của Công an từng đơn vị, địa phương. Từ đó khẳng định, bảo đảm ANCN không chỉ là trách nhiệm của một chủ thể đơn lẻ, mà đòi hòi sự tham gia vào cuộc của các cấp, ngành, toàn dân, các quốc gia, vùng lãnh thổ và toàn nhân loại.
Đặc biệt, các ý kiến tham luận đều đánh giá, khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Công an các đơn vị, địa phương trong bảo đảm ANCN, an ninh xã hội, thực hiện có hiệu quả hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh con người theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Thông qua đó, từng bước nâng cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng lực lượng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị…
Trên cơ sở những kết quả đạt được, các ý kiến cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Từ đó, luận giải, làm sâu sắc hơn về vai trò, chức năng nhiệm vụ của lực lượng CAND trong đảm bảo ANCN trên các lĩnh vực từ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh y tế, an ninh môi trường, an ninh cộng đồng; làm rõ sự cần thiết, yêu cầu đặt ra đối với hợp tác quốc tế về đảm bảo ANCN; đề xuất phương hướng hợp tác quốc tế về đảm bảo ANCN trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng biểu dương tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực của Học viện Chính trị CAND và các đơn vị chức năng liên quan trong việc tổ chức Hội thảo ngày hôm nay. “Chỉ trong một thời gian ngắn, Ban tổ chức Hội thảo cùng các nhà khoa học trong và ngoài ngành Công an đã xây dựng, thiết lập được một số báo cáo khoa học công phu, kỹ lưỡng, tương đối toàn diện cả về lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về bảo đảm ANCN. Đây thực sự là nguồn tư liệu quý, lần đầu tiên được tổng hợp một cách khá đầy đủ, toàn diện trên lĩnh vực hợp tác quốc tế về bảo đảm ANCN trong CAND”, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Đồng chí Thứ trưởng cũng đề nghị sau Hội thảo này, Học viện Chính trị CAND và các Cục chức năng liên quan cần sớm tổng hợp kết quả Hội thảo để báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, Hội đồng Lý luận Bộ Công an.
Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo đảm ANCN, về đấu tranh phòng, chống tội phạm; nghiên cứu, đề xuất nội dung, biện pháp, cơ chế hợp tác cho phù hợp đặc điểm tình hình thực tiễn. Từ đó, có chủ trương, biện pháp giải quyết bảo đảm nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về bảo đảm ANCN trong thời gian tới.