Chia sẻ tại hội thảo “Lấy ý kiến các chuyên gia trong ngành tài chính thuộc các viện, trường, ngân hàng lớn, các quỹ tài chính trong nước và quốc tế” do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM tổ chức chiều ngày 22/5, tiến sĩ Lê Thị Thanh Nhàn - chuyên gia tài chính tại Úc - cho rằng nên xem thu hút kiều hối giống như việc phải trồng nhiều cây, hái được nhiều trái và sử dụng trái hiệu quả. Để trồng được nhiều cây cần tăng lực lượng xuất khẩu lao động tay nghề cao ở lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin. Lao động Việt Nam không bằng lao động các nước về ngoại ngữ, do đó cần có giải pháp thúc đẩy dạy và học tiếng Anh từ các cấp, mở thêm các quỹ hỗ trợ học sinh học tiếng Anh. Xây dựng mạng xã hội ở các thị trường lớn như Úc Mỹ để chia sẻ kinh nghiệm cho người đi sau.
Làm sao để cây có nhiều trái? Hiện rất ít ngân hàng có trang nói về thông tin chuyển tiền từ nước ngoài về, phí chuyển tiền 6,5% hiện nay là rất cao. Làm sao có kênh chính thức chuyển tiền nhanh, đơn giản, phí rẻ, vừa tăng được lượng tiền cho ngân hàng, vừa thu được kiều hối nhiều hơn, nếu không kiều bào sẽ chọn kênh không chính thức.
Sử dụng trái như thế nào cho hiệu quả? Kiều hối gửi về đa phần đang là chi tiêu gia đình. Người Pakistan có giải pháp hay là ngân hàng thương mại, NHNN có riêng quỹ kiều hối riêng; giảm chi phí chuyển tiền, khuyến khích kiều bào mở tài khoản hoặc gửi tiết kiệm ưu đãi để tiền đi vào ngân hàng thay vì đem tiền về mua vàng tích lũy.
Bà Tạ Thị Thanh Thúy - Trưởng Ban lao động Việt Nam tại Hàn Quốc - thông tin, hiện có hơn 225.000 người Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc. Hạn mức chuyển tiền qua ứng dụng từ Hàn Quốc về Việt Nam là 5.000 USD/ngày và 50.000 USD/năm hiện là rào cản hạn chế lượng kiều hối về Việt Nam.
Lực lượng xuất khẩu lao động giúp gia tăng lượng kiều hối về trong nước, chiếm 25% trong tổng số lượng kiều hối chuyển về. Để gia tăng lực lượng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, người lao động có thu nhập cao thì cần có chính sách xuất khẩu lao động gắn với đổi mới giáo dục đào tạo, có trình độ tay nghề cao, ngoại ngữ tốt. Ngoài ra, có thêm chính sách vay ưu đãi cho DN lĩnh vực xuất khẩu lao động có thêm kinh phí nâng chất lượng đào tạo cho người lao động.
Bà Tạ Thị Thanh Thúy đề xuất, cần tuyên truyền chính sách để người lao động hiểu hơn về cách sử dụng, đầu tư kiều hối hợp lý, hiệu quả.
Lượng kiều hối về TPHCM liên tục tăng qua các năm |
Ông Bùi Việt Khôi - Tham tán khoa học công nghệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Úc - cho biết, hiện có 350.000 người Úc gốc Việt có thu nhập cao, có tri thức, nguồn lực kiều hối rất lớn nhưng nguồn kiều hối ở các nước truyền thống (trong đó có Úc về Việt Nam) lại có xu hướng giảm. Hiện kiều bào Úc mong muốn nguồn tài chính nhàn rỗi của họ được đầu tư vào bất động sản, nhà ở và đem lại hiệu quả cao nhất, song thủ tục đầu tư phải thuận lợi. Có như vậy thì kiều hối mới đổ về Việt Nam, nếu không họ sẽ đầu tư ở nước sở tại
Ông Nguyễn Duy Anh - Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Fukuoka (Nhật Bản) - kiến nghị, hiện có hơn 500.000 người Việt đang học tập, sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Để thu hút kiều hối về TPHCM cần có sự kết nối giữa TPHCM và các địa phương có các Hội người Việt Nam đặt văn phòng tại Nhật. Qua đó, TPHCM mới giới thiệu được điểm mạnh của mình cho DN tại Nhật, cung cấp thông tin các thủ tục khi đầu tư vào TP. Cần đưa ra mục tiêu mỗi năm TPHCM sẽ kết nối được bao nhiêu chương trình, dự án chứ không phải đến đó để họp mặt, rồi đưa thông tin lên báo chí như hiện nay. Lao động tại Nhật ngoài cần ngoại ngữ còn phải có tay nghề nhưng Việt Nam vẫn chưa tổ chức được các kỳ thi này. Bộ LĐTB&XH cần phải đẩy nhanh tổ chức kỳ thi kỹ năng cho lao động sang Nhật.
Tại hội thảo, còn nhiều kiến nghị khác như cần tiếp tục cải thiện các thủ tục đầu tư, có cổng thông tin điện tử bao gồm chính sách đầu tư, chính sách visa để kiều bào có kênh chính thống tham khảo…
Trong giai đoạn 10 năm (từ 2012-2021), nguồn kiều hối chuyển về TPHCM tăng trưởng đều đặn, từ 4,1 tỉ USD năm 2012 lên 6,6 tỉ USD năm 2021, trong khi đó tổng số kiều hối của Việt Nam tăng tương ứng là 10 tỉ USD năm 2012 và 18,1 tỉ USD vào năm 2021. Riêng năm 2022, TPHCM vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối với 6,6 tỉ USD và trong quý 1/2023 lượng kiều hối về TPHCM tiếp tục tăng trưởng tích cực với gần 2,2 tỉ USD, tăng 19,41% so với cùng kỳ năm 2022. Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM |
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.1722941a-coun-gnort-ut-uad-nas-gnod-tab-aum-noum-oab-ueik/nv.moc.enilnounuhp.www