UBND TP.HCM mới đây có công bố kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh (chỉ số DDCI). Đây là chỉ số được dùng để đánh giá năng lực điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của cấp sở, ngành địa phương.
Theo đó, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM xếp cuối bảng với mức đánh giá thấp nhất về các chỉ số: vai trò người đứng đầu, chi phí thời gian, tính minh bạch và tiếp cận thông tin; đứng "áp chót" ở các chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp; tính năng động, sáng tạo và hiệu lực...
Về vấn đề này, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Văn Thinh trả lời PV Thanh Niên rằng các nội dung đánh giá chỉ số DDCI được phản ánh từ góc nhìn của các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện quy định pháp luật và tương tác với các sở, ngành. Đây là đóng góp của doanh nghiệp trong quá trình điều hành, thực thi các quy định chính sách của cơ quan nhà nước để ngày càng tốt hơn.
Còn nhiều quy định chưa đáp ứng kịp thực tế
Tuy nhiên, ông Lê Văn Thinh cũng nêu một số khó khăn hiện đơn vị gặp phải. Cụ thể, mặc dù hệ thống pháp luật đã từng bước hoàn thiện nhưng vẫn còn nhiều nội dung chưa đáp ứng thực tế, dẫn đến quá trình thực hiện còn gặp nhiều bất cập như:
Thứ nhất, nhiều tổ chức, doanh nghiệp phản ánh việc cấp giấy phép lao động gặp nhiều khó khăn từ khi Nghị quyết 105/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 hết hiệu lực.
Thứ hai, một số điều kiện quy định cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài theo quy định hiện hành làm doanh nghiệp mất nhiều thời gian, phát sinh chi phí như bỏ quy định sử dụng giấy phép lao động đã được cấp thay thế cho kinh nghiệm làm việc, mà bắt buộc phải có văn bản xác nhận kinh nghiệm làm việc của tổ chức ở nước ngoài; hoặc bỏ quy định cung cấp bản sao hộ chiếu mà thay vào đó bản sao hộ chiếu có chứng thực…
Việc này không thuộc thẩm quyền điều chỉnh của địa phương mà phải có ý kiến của Chính phủ đối với các quy định thực thi pháp luật.
Thứ ba, người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính online. Điều này do hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM đang từng bước hoàn thiện, phát sinh lỗi kỹ thuật tại một số thời điểm.
Ngoài ra, do số lượng hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp nộp rất lớn trong khi đội ngũ công chức quá mỏng, không thể đáp ứng ngay lập tức các yêu cầu đặt ra của người dân, doanh nghiệp. Song song đó, một số doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm nghiên cứu các quy định pháp luật dẫn đến việc thực hiện hồ sơ không đạt yêu cầu, mất nhiều thời gian để chuẩn bị.
Làm gì để cải thiện?
Từ đầu năm 2023, cùng với chủ đề hành động của TP.HCM, Sở LĐ-TB-XH đang quyết liệt triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số, đặc biệt là kiện toàn ban chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số của đơn vị.
Trong đó, có nhiệm vụ trọng tâm là tập trung triển khai hệ thống thông tin quản lý an sinh xã hội trên địa bàn, số hóa và tạo lập dữ liệu ngành, xây dựng kho dữ liệu dùng chung của ngành.
Thời gian tới, để cải thiện các chỉ số DDCI, ông Lê Văn Thinh cho hay đơn vị báo cáo đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, tham mưu trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 152/2020 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong công tác cấp phép lao động cho người nước ngoài.
Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tập trung hướng dẫn và thông tin công khai rộng rãi trên cổng thông tin điện tử của sở và thành phố về trình tự, thủ tục hành chính về cấp giấy phép lao động.
"Lãnh đạo sở đang khẩn trương chỉ đạo rà soát lại các chỉ số DDCI bị đánh giá thấp để trong tháng 5.2023 có kế hoạch cải thiện. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp các sở, ngành khác tăng cường tiếp xúc đối thoại doanh nghiệp để tháo gỡ các vướng mắt kịp thời", ông Thinh thông tin và nhấn mạnh đơn vị sẽ tiếp tục quyết liệt cải cách thủ tục hành chính; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương.