Trao đổi với Thanh Niên, bà Lê Khánh Giang, Chủ tịch UBND P.Đồng Tâm (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết địa phương có trách nhiệm quản lý 2 khuôn viên lối lên xuống cầu đi bộ tại nút giao Giải Phóng - Lê Thanh Nghị; riêng lối đi trên cầu thuộc trách nhiệm quản lý của Công ty Công trình giao thông 1.
Trước phản ánh về việc cây cầu này bị nhiều hàng rong chiếm dụng, bà Giang đã yêu cầu công an địa phương tăng cường xử lý vi phạm, đồng thời có văn bản đề nghị đơn vị quản lý cầu phối hợp xử lý.
"Phường đã đề nghị Công ty Công trình giao thông 1 lắp camera để theo dõi các hành vi vi phạm chiếm dụng hành lang cầu đi bộ và kết nối, chia sẻ hình ảnh với địa phương để thuận tiện trong công tác phối hợp, xử lý vi phạm", bà Giang cho hay.
Còn tại nút giao Phạm Văn Đồng - Hồ Tùng Mậu (P.Mai Dịch, Q.Cầu Giấy, Hà Nội), ông Phạm Văn Lợi, Chủ tịch P.Mai Dịch, cho biết cầu đi bộ qua khu vực này không có biển cấm nên không có chế tài xử phạt khi người dân tụ tập tại đây mỗi tối. Theo ông Lợi, địa phương đã nhiều lần ra quân xử lý nhưng cán bộ phường không thể túc trực ở đó suốt ngày được.
"Nhân dân địa phương cũng rất bức xúc trước tình trạng giới trẻ tụ tập ăn uống trên cầu mỗi tối. Có hôm, họ tụ tập đến 3 - 4 giờ sáng. Phường sẽ tiếp tục kiến nghị Sở GTVT Hà Nội có biện pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này. Trước đó, phường đã kiến nghị lắp kính để họ không ngồi ngắm đường, từ đó hạn chế tình trạng tụ tập trên cầu nhưng chưa được Sở GTVT Hà Nội chấp thuận", ông Lợi phân bua.
Trong khi đó, để ngăn chặn tình trạng chiếm dụng không gian quanh lối lên xuống cầu đi bộ trong Khu đô thị Xa La (P.Phúc La, Q.Hà Đông, Hà Nội), chính quyền sở tại đã giăng dây, lắp hàng rào. Một lãnh đạo UBND P.Phúc La cho biết, dù hạ tầng khu vực này chưa được chủ đầu tư bàn giao nhưng địa phương vẫn có trách nhiệm xử lý vi phạm trật tự đô thị. Trong thời gian tới, phường sẽ tiếp tục giao lực lượng công an tuần tra, xử lý vi phạm triệt để hơn.
Như đã đưa tin, trên địa bàn TP.Hà Nội có 75 cầu đi bộ nhằm giúp người dân sang đường nhưng nhiều cầu bị "ế" người đi, nếu không thì bị sử dụng sai mục đích, bị chiếm dụng làm nơi bán hàng hoặc là điểm tụ tập ăn uống… Thực trạng này diễn ra từ lâu nhưng nhiều địa phương vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để.