Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, sau khi sự kết thúc Tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) của COVID-19 và mpox (đậu mùa khỉ), thế giới vẫn đang tồn tại một PHEIC khác đã kéo dài từ năm 2014: Bại liệt.
Sau khi ghi nhận chỉ 5 trường hợp mắc bệnh bại liệt hoang dã - thấp nhất mọi thời đại vào năm 2021 - thế giới đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trở lại vào năm ngoái, với 20 trường hợp ở Pakistan, 2 trường hợp ở Afghanistan và 8 trường hợp ở Mozambique.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 76 - Ảnh: WHO
Gần đây nhất đã có ba trường hợp được báo cáo về vi rút bại liệt hoang dã từ châu Á, bao gồm một trường hợp từ Pakistan và hai trường hợp từ Afghanistan vào tuần trước.
"WHO và các đối tác của chúng tôi vẫn kiên định cam kết hoàn thành công việc đưa bệnh bại liệt vào lịch sử" - tiến sĩ Tedros nói.
Năm ngoái, 3 triệu trẻ em trước đây không thể tiếp cận được ở Afghanistan đã được tiêm vắc-xin bại liệt lần đầu tiên. Và vào tháng 10-2022, các nhà tài trợ đã cam kết 2,6 tỷ đô la Mỹ để hỗ trợ thúc đẩy việc loại trừ. Nhiều quốc gia đã tích hợp chương trình liên quan đến bệnh bại liệt vào các chương trình y tế khác nhằm thúc đẩy tiêm chủng, phát hiện bệnh, ứng phó khẩn cấp.
Sự tái xuất nhiều hơn của virus bại liệt hoang dã ở các quốc gia đã từng được WHO cảnh báo trước đó, bên cạnh hàng loạt báo cáo cho thấy tình trạng nhiễm virus bại liệt từ vắc-xin sống giảm độc lực vẫn còn khá nhiều tại một số quốc gia, đặc biệt là khu vực Tây Á, châu Phi...
Trong năm qua, Mỹ và châu Âu cũng báo cáo bại liệt tái xuất, do virus từ vắc-xin. Đó là do vắc-xin bại liệt loại cũ (OPV - đường uống) là vắc-xin sống giảm độc lực, có thể "rơi" ra từ chất thải của người vừa uống vắc-xin, sẽ tấn công những người chưa tiêm chủng trong cộng đồng. Tuy nó yếu hơn virus hoang dã nhưng cũng gây bệnh nguy hiểm.
Dù vậy OPV vẫn cực kỳ cần thiết cho các quốc gia có hệ thống y tế nghèo nàn, không có điều kiện triển khai tiêm chủng rộng rãi, bởi việc cho trẻ uống OPV đơn giản hơn tiêm. Điều này vẫn được triển khai song song với thay thế dầy OPV bằng IPV (vắc-xin bại liệt dạng tiêm, là vắc-xịn bất hoạt không có rủi ro giải phóng virus giảm độc lực) ở các nơi có điều kiện.
Việt Nam cũng là một trong các nước đang đẩy mạnh IPV. Hồi tháng 4 năm nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có văn bản gửi các địa phương về việc tiêm vắc-xin IPV (phòng bại liệt ) cho trẻ sinh năm 2021-2022, trong bối cảnh một số chương trình tiêm chủng bị gián đoạn do giãn cách xã hội vì COVID-19 trước đó, làm dấy lên lo ngại virus bại liệt hoang xã tái xâm nhập.
Bại liệt được WHO tuyên bố là PHEIC kể từ năm 2014, khi nó "hồi sinh" sau nhiều năm gần như đã bị diệt trừ trên toàn cầu.
Xem thêm: nhc.326137201325032881-a-uahc-o-no-tab-gnad-cahk-pac-nahk-gnart-hnit-tom-91-divoc-uas-ohw/nv.fefac