Việc mua và sử dụng các loại thực phẩm bày bán ở đường phố từ lâu đã là một nhu cầu của người dân đô thị. Đôi khi thức ăn đường phố còn là nét văn hóa đặc trưng của người Việt.
Tuy nhiên, ngoài những thuận tiện thường thấy, thức ăn đường phố cũng tiềm ẩn vô số nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.
Vô vàn nguyên nhân
Gia đình tôi trước đây cũng từng gặp phải trường hợp tương tự khi vô tình bị ngộ độc thực phẩm. Sự việc bắt đầu từ lúc bà tôi tình cờ mua mấy quả táo từ gánh hàng rong trên phố. Sau khi ăn được 30 phút thì bà tôi bắt đầu bị đau bụng, nôn, tiêu chảy liên tục và dẫn đến mất nước trầm trọng.
Người nhà đưa bà tôi đến trạm y tế gần nhà nhưng do tình trạng bệnh khá nặng, bà tôi liên tục có biểu hiện sốc, tụt huyết áp và suy thận nên các bác sĩ đã chuyển tuyến cho bà lên tuyến trên.
Rất may mắn là sau vài ngày điều trị, với sự nỗ lực của các y bác sĩ, tình trạng sức khỏe của bà tôi đã cải thiện tốt.
Sau khi bà khỏi bệnh, gia đình tôi có trao đổi với bác sĩ thì được cho biết nguyên nhân gây ngộ độc có thể xuất phát từ các loại hóa chất bảo quản được sử dụng quá liều.
Tôi cho rằng ngộ độc thực phẩm xuất phát từ nhiều nguyên nhân với tần suất rải rác vào tất cả các mùa trong năm. Tuy nhiên, căn bệnh này tập trung chủ yếu vào thời điểm nắng nóng, chuyển giao từ mùa xuân sang hè.
Căn nguyên của ngộ độc thực phẩm có thể xuất phát từ nhiều lý do điển hình như vi sinh vật, hóa chất hoặc xuất phát từ các độc tố tự nhiên, nảy sinh trong quá trình chế biến thực phẩm.
Nghiêm trọng hơn, tình trạng ngộ độc thực phẩm do hóa chất đang ngày càng tăng và phức tạp dần lên do việc sử dụng vô số các loại hóa chất và vấn đề kiểm soát cẩn trọng nguồn thực phẩm trước khi ăn.
Không chỉ vậy, người dân khi sử dụng thực phẩm không may bị ngộ độc phải vào bệnh viện cấp cứu, các bác sĩ chẩn đoán cũng gặp khó khăn do việc xét nghiệm độc chất cần đến các thiết bị máy móc chuyên dụng mới tìm ra nguyên nhân, dẫn đến bỏ lỡ "thời điểm vàng" để chữa trị cho bệnh nhân.
Đừng "sống chung với lũ"
Dù nghiêm trọng như vậy nhưng những quán cơm, bún, phở vỉa hè, những chiếc xe kéo với vô số hoa quả, thực phẩm tươi sống... được bày bán ở khắp mọi nơi và có không ít quán ít có điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thế nhưng những thức ăn đường phố này có đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm hay không thì chẳng ai dám khẳng định chắc chắn.
Theo thống kê từ Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, mỗi năm cả nước ta có trên 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm.
Đặc biệt có đến 70% thức ăn đường phố không an toàn, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nguy hại tới sức khỏe và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng.
Nguyên nhân chính là do nguồn nguyên liệu bị nhiễm bẩn; điều kiện chế biến, bảo quản thực phẩm không đảm bảo an toàn; bày bán đồ ăn dưới lòng lề đường đầy khói, bụi, ruồi bọ, vi khuẩn...
Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là không ít người đang sử dụng thức ăn đường phố tỏ ra không mấy quan tâm về những chuyện liên quan đến nguồn gốc thực phẩm cũng như việc chế biến. Họ cho đó là điều bình thường, sẵn sàng "sống chung với lũ".
Tôi cho rằng để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc có nguyên nhân từ thức ăn đường phố, các cơ quan chức năng cần trang bị những quy định kiểm tra, đánh giá cụ thể tại các khu ăn uống và người bán hàng rong trên đường phố.
Đồng thời, chúng ta nên ra sức tăng cường kiểm tra chất lượng thực phẩm vỉa hè, kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm an toàn thực phẩm.
Kinh nghiệm Nhật Bản
Tôi đã từng có khoảng thời gian sống tại Nhật Bản - đất nước có truyền thống ăn đồ sống, từ thịt, cá, tôm, hàu đến các loại rau trái... nên họ cực kỳ xem trọng vấn đề an toàn thực phẩm. Cũng bởi Chính phủ Nhật Bản cho rằng nếu lơi lỏng về kiểm soát thực phẩm thì tai họa sẽ xảy ra với đất nước hơn 125 triệu dân.
Theo thống kê của tờ Japan Times, trong những năm 2017 - 2020, do chế độ kiểm soát thực phẩm nghiêm ngặt như thế nên cả Nhật Bản chỉ phải đóng cửa 22 tiệm bán đồ ăn gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Bất kỳ ai đã từng sống ở Nhật Bản đều thấy được cách kiểm soát thực phẩm của họ hoàn toàn khác với Việt Nam.
Chính phủ Nhật Bản đã cho xây dựng luật về an toàn thực phẩm từ rất sớm, ngay từ những năm 1947. Cho đến ngày nay, đất nước này là nơi có các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm thuộc loại nghiêm ngặt nhất thế giới với bảy bộ luật chính liên quan các lĩnh vực khác nhau.
Người Nhật tập trung chủ yếu vào việc kiểm soát đầu ra, tức là thành phẩm cuối cùng mà người dân sử dụng. Theo quy định, nếu người chủ cửa hàng bán thực phẩm cung cấp nguồn hàng kém chất lượng khiến khách hàng ngộ độc sẽ chịu phạt 2 triệu yen, khoảng 340 triệu đồng theo tỉ giá mới nhất, và chịu án 2 năm tù.
Ngoài ra, nếu người bán hàng biết rõ thực phẩm mình đang bán vốn kém chất lượng mà vẫn cố tình đưa ra thị trường thì tội danh sẽ không còn giới hạn trong hành vi buôn bán thực phẩm nữa mà sẽ bị truy tố vào tội cố tình giết người hàng loạt, khi đó thời gian phạt tù sẽ rất lâu.
Sau khi nhận được thông tin Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) hết thuốc giải độc, Bộ Y tế đã hướng dẫn các thủ tục để sớm nhập thuốc cứu bệnh nhân ngộ độc botulinum.
Xem thêm: mth.95935259032503202-mahp-cuht-naot-na-iov-noh-meihgn-iahp-munilutob-cod-ogn/nv.ertiout