Chiều 23-5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo Quốc hội chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vốn đầu tư công trung hạn và phân bổ vốn trung ương năm 2023.
Còn tư duy nhiệm kỳ trong phân bổ vốn
Theo báo cáo, số vốn còn lại của chương trình chưa phân bổ, chưa giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 14.151,6 tỉ đồng. Trong đó, hơn 13.369 tỉ đồng của 45 dự án đã được thông báo danh mục và mức vốn, đã hoàn thiện thủ tục đầu tư trước ngày 31-3.
Còn lại 273 tỉ đồng của dự án đầu tư hạ tầng ổn định đời sống nhân dân của xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải thuộc tỉnh Ninh Thuận chưa thể phê duyệt chủ trương đầu tư. Lý do là vướng mắc về quy hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Còn 509,217 tỉ đồng không thực hiện phân bổ do hết thời gian quy định.
Lý giải nguyên nhân phân bổ vốn chậm, ông Dũng cho rằng do yếu tố chủ quan là chủ yếu. “Công tác chuẩn bị dự án chưa được quan tâm đúng mức, còn tư duy nhiệm kỳ, nhiệm kỳ trước chưa chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau”, bộ trưởng báo cáo Quốc hội.
Trên cơ sở đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao kế hoạch vốn hơn 13.369 tỉ đồng cho 45 dự án đã đủ thủ tục đầu tư; cho phép tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án của tỉnh Ninh Thuận và không thực hiện phân bổ số vốn còn lại là 509,217 tỉ đồng.
Đồng thời, ông Dũng cũng cho rằng việc điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và kế hoạch vốn thuộc chương trình là hết sức quan trọng, cấp thiết.
Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho phép bộ ngành, địa phương được quyết định điều hòa nguồn vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023.
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh đánh giá Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thủ tục đầu tư là chậm trễ, nên không đảm bảo quy định về thời hạn trình để các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra, xem xét, cho ý kiến.
Cần rút kinh nghiệm và làm rõ trách nhiệm
Trong khi đó, Chính phủ cũng chưa đánh giá, xác định rõ trách nhiệm của đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư và phương án phân bổ vốn, nên cơ quan thẩm tra đề nghị rút kinh nghiệm và làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu.
Đối với 45 dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư có tổng số vốn trên 13.369 tỉ đồng, cơ quan thẩm tra nhất trí việc rà soát, bố trí vốn. Song lưu ý, việc giải ngân nguồn vốn là rất chậm, chỉ có 6 tháng để hoàn thành giải ngân là áp lực rất lớn.
Vì vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cân nhắc trong phân bổ vốn, đánh giá kỹ lưỡng về tiến độ giải ngân thực tế để đề xuất phân bổ vốn cho những dự án đủ điều kiện, có khả năng giải ngân, đảm bảo khả thi, tránh tình trạng không giải ngân được hết.
Đối với 273 tỉ đồng dự kiến bố trí cho dự án đầu tư hạ tầng ổn định đời sống nhân dân các xã ở Thuận Nam và Ninh Hải (Ninh Thuận), đa số các ý kiến nhất trí sự cần thiết của dự án.
Tuy nhiên, dự án này chưa đủ thủ tục đầu tư, chưa đủ điều kiện phân bổ vốn, nên cơ quan thẩm tra đề nghị không phân bổ vốn của chương trình.
Theo đó, Chính phủ cần chỉ đạo bộ ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, có phương án bố trí vốn phù hợp cho dự án.
Với số vốn còn lại chưa đủ thủ tục đầu tư, các ý kiến cũng đề nghị không thực hiện phân bổ số vốn còn lại, tức là không phân bổ tiếp với toàn bộ số vốn hơn 782 tỉ đồng theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc triển khai chương trình phục hồi kinh tế rất chậm có phần nguyên nhân do đề xuất của các bộ, ngành, địa phương không sát thực tế và "khi về thay đổi tùm lum, tà la".