Trong cuộc gặp với ông Rafael Grossi, tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ở Bắc Kinh ngày 23-5, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cho biết Trung Quốc kiên trì theo đuổi chiến lược hạt nhân để tự vệ.
Khẳng định Trung Quốc cam kết duy trì chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân, ông Tần hy vọng IAEA sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình một cách khách quan, công bằng, chống lại quan niệm khái quát về an ninh quốc gia của một số nước, theo Reuters.
Bên cạnh đó, phía Trung Quốc cũng hy vọng IAEA sẽ xử lý thỏa đáng các dự án hợp tác tàu ngầm hạt nhân giữa Mỹ, Anh và Úc, đồng thời xử lý việc Nhật Bản xả nước thải bị nhiễm phóng xạ ra biển.
Trước đó, một báo cáo của Lầu Năm Góc được công bố ngày 3-11-2021 cho biết Trung Quốc đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân nhanh hơn nhiều so với dự đoán của Mỹ và dần thu hẹp khoảng cách với Mỹ.
Cụ thể, Trung Quốc có thể có 700 đầu đạn hạt nhân có thể chuyển giao vào năm 2027 và có thể đạt 1.000 đầu đạn vào năm 2030.
Bên cạnh đó, báo cáo cho biết thêm Trung Quốc "đang đầu tư và mở rộng số lượng hạt nhân trên đất liền, trên biển và trên không, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết".
Ngoài ra, cũng theo báo cáo trên của Lầu Năm Góc, Trung Quốc ít có khả năng tấn công vô cớ nhằm vào nước có vũ khí hạt nhân, chủ yếu là Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn muốn ngăn chặn cuộc tấn công từ bên ngoài bằng cách duy trì khả năng trả đũa bằng vũ khí hạt nhân.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết việc Trung Quốc tăng tốc trang bị hạt nhân và cả vụ thử tên lửa siêu thanh gần đây "rất đáng lo ngại" và khiến thế giới bước vào thời kỳ bất ổn.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hối thúc các nỗ lực ngoại giao để tìm giải pháp hòa bình cho xung đột ở Ukraine sau khi Nga tuyên bố sẽ đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus.
Xem thêm: mth.41123141232503202-ev-ut-nahn-tah-hcas-hnihc-ioud-oeht-ob-neyut-couq-gnurt/nv.ertiout