LIÊN TỤC "ĐƯA VÀO, RÚT RA", KHÓ TRÁNH "LỢI ÍCH NHÓM"
Sáng 23.5, thay mặt Chính phủ báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, Chính phủ tập trung hơn cho công tác xây dựng pháp luật; nâng cao năng lực phản ứng chính sách, kịp thời sửa đổi các quy định để tháo gỡ điểm nghẽn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Dù vậy, ông Phớc cũng thừa nhận vẫn có dự án luật phải lùi thời hạn trình Quốc hội (QH), có dự án luật chưa đảm bảo chất lượng; tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để.
Báo cáo QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trước kỳ họp 5, Ủy ban Thường vụ QH đã bổ sung vào chương trình năm 2023 gồm 4 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết, trong đó có 2 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết sẽ thông qua ngay tại kỳ họp 5. Ủy ban Thường vụ QH đã tiếp tục đề nghị QH bổ sung vào chương trình năm 2023 4 dự án luật cho ý kiến tại kỳ họp 6, thông qua tại kỳ họp 7, 1 dự án pháp lệnh và 3 dự án luật đã được QH khóa XIV cho ý kiến, gồm: luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; luật Đường bộ; luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ…
ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng chỉ tính riêng kỳ họp 6 (tháng 10), số dự án luật trình xin ý kiến đã tăng từ 2 lên 6, tăng gấp 3 lần. "Việc phải bổ sung quá nhiều dự án so với chương trình chính thức thể hiện tính dự báo của chương trình chưa cao", ông Nghĩa nêu.
Có nhiều đạo luật luôn dễ, thuận lợi cho cơ quan nhà nước; song lại có những nội dung khó cho người dân và doanh nghiệp.
Chia sẻ góc nhìn này, theo ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh), tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đặc biệt là gửi trình hồ sơ dự án chậm so với quy định dẫn đến tình trạng "bắc nước chờ gạo" đã trở thành căn bệnh kinh niên, chưa có thuốc chữa. ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng nêu rõ, việc thay đổi, bổ sung, điều chỉnh "đưa vào, rút ra" trong xây dựng luật, pháp lệnh diễn ra nhiều năm nay. Câu chuyện làm luật vẫn còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn.
Theo ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau), việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật là một hạn chế cố hữu của công tác xây dựng pháp luật. "Đấy không phải là điều hay", ông Vân nói và cho rằng điều này thể hiện tư duy lập pháp, tư duy chính sách thiếu nhất quán, tầm nhìn chưa xa, không khác gì việc người lái ô tô thỉnh thoảng đỗ lại sửa xe. Điều quan trọng, theo ĐB Vân, là việc thay đổi thường xuyên các chương trình xây dựng luật hằng năm tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. "Đó là sự chưa chín muồi trong các kiến nghị lập pháp, không tránh khỏi lợi ích nhóm", ông Vân nhận định.
LUẬT DỄ CHO CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, KHÓ CHO NGƯỜI DÂN
Theo ĐB Lê Thanh Vân, chất lượng các đạo luật thời gian qua chưa cao. Đặc biệt, các quy phạm chính trị còn tồn tại khá phổ biến, hệ quả là phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn. Nhưng rồi các nghị định, thông tư hướng dẫn cũng không cụ thể. Cuối cùng là người áp dụng pháp luật dễ tùy tiện, hậu quả là làm khổ người dân, doanh nghiệp. "Kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa xác định rõ, đặc biệt là quá trình xây dựng chương trình luật, pháp lệnh còn "cài cắm" lợi ích. Vừa rồi, trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư đã chỉ ra rất rõ", ông Vân nhấn mạnh.
Còn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân
Sáng 23.5, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo QH kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022. Cụ thể, ở lĩnh vực xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, trong năm 2022, Chính phủ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực. Cùng với đó, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính và kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm minh, kịp thời và kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy nhà nước cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Từ năm 2020 đến tháng 6.2022 đã rà soát xử lý gần 100.000 trường hợp, trong đó thu hồi quyết định tuyển dụng trên 1.200 trường hợp.
Tuy nhiên, theo ông Phớc: "Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn triệt để. Việc phối hợp giữa các bộ, cơ quan có lúc, có nơi còn rời rạc, thiếu gắn kết, chưa kịp thời, chất lượng chưa cao".
Chia sẻ quan điểm này, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng dự thảo luật bao giờ cũng có nhiều điều luật có lợi cho cơ quan chủ trì soạn thảo, dù QH thẩm tra và quyết định cuối cùng cũng khó bao quát hết được các nội dung "cài cắm". "Do đó mới có tình trạng luật được ban hành, có nhiều đạo luật luôn dễ, thuận lợi cho cơ quan nhà nước; song lại có những nội dung khó cho người dân và doanh nghiệp", ông Thịnh nêu.
ĐB đoàn Khánh Hòa kiến nghị ban soạn thảo luật không nên giao cho cơ quan quản lý nhà nước chủ trì, mà chỉ tham gia với tư cách thành viên; ngoài ra có các nhà khoa học, đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật tham gia để có tiếng nói khách quan, phản biện nhiều chiều. QH mới là người lắng nghe và quyết định cuối cùng.
Trong khi đó, theo ĐB Vũ Tiến Lộc (TP.Hà Nội), một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng luật là loại bỏ chồng chéo, xung đột, bất nhất trong các luật, nhất là luật chuyên ngành. "Vừa rồi có tranh luận giữa Bộ KH-ĐT và UBND TP.HCM cho thấy rất rõ những quy định pháp luật không rõ ràng. Đó chính là nguyên nhân của tình trạng không dám làm, đùn đẩy trách nhiệm", ông Lộc nói.
Báo cáo tiếp thu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nói quá trình làm chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong mấy năm trở lại đây làm rất kỹ. Tuy vậy, ông cũng cho rằng số lượng các dự án bổ sung tại kỳ họp này lớn, Chính phủ đề xuất bổ sung 10 luật và nghị quyết, chưa kể 2 nghị quyết đã đề xuất chưa được Ủy ban Thường vụ QH chấp thuận.
Tình trạng "vốn chờ dự án đủ thủ tục" gây lãng phí
Báo cáo thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH Lê Quang Mạnh nhấn mạnh, việc lập dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) chưa sát thực tế; quản lý, sử dụng NSNN còn một số hạn chế; số chi chuyển nguồn lớn làm lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Ông Mạnh chỉ rõ nhiều lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư, như việc lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến tình trạng "vốn chờ dự án đủ thủ tục"; việc phân bổ, giao vốn đầu tư công trung hạn chưa đảm bảo tiến độ; chất lượng chuẩn bị dự án thấp… Cùng với đó, việc triển khai, giải ngân vốn đầu tư các dự án quan trọng quốc gia chậm, nhiều tồn tại, làm lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Cụ thể là các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông cả 2 giai đoạn và dự án sân bay quốc tế Long Thành.
"Chúng ta đang tăng cường phòng chống "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật. Đây là một trách nhiệm rất nặng nề đối với các cơ quan tham mưu. Mỗi dự án luật là một công trình tập thể, phải xác định rõ được trách nhiệm cá nhân, yếu tố vụ lợi", ông Long nêu.
Kết lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho biết, theo chỉ đạo của Chủ tịch QH, tới đây Ủy ban Thường vụ QH sẽ phối hợp với Chính phủ tổ chức hội nghị quy mô toàn quốc về đánh giá tình hình triển khai các luật, nghị quyết của QH từ đầu nhiệm kỳ đến giữa năm nay. Định kỳ tới đây, sau mỗi kỳ họp QH sẽ tổ chức hội nghị triển khai các luật và nghị quyết của kỳ họp, sau khi QH thông qua.
Về vấn đề phòng chống tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong xây dựng pháp luật, theo Phó chủ tịch QH, Nghị quyết 27 của T.Ư và Kế hoạch 11 của Bộ Chính trị cũng đã giao Đảng đoàn QH xây dựng Đề án về kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật trình Bộ Chính trị trong năm 2024.