Khoảng 1 - 2 tuần tới, vải chính vụ sẽ chính thức vào vụ thu hoạch ở các vùng trồng trọng điểm như Bắc Giang, Hải Dương.
Với Bắc Giang, vụ vải thiều năm nay tiếp tục được mùa, với sản lượng ước đạt khoảng 180.000 - 200.000 tấn, như mọi năm phần lớn đầu ra vẫn là xuất khẩu.
Thời điểm này, các cơ sở sơ chế, đóng gói, sản xuất hàng phụ trợ, thương mại dịch vụ phục vụ mùa vải trên địa bàn huyện Lục Ngạn, Bắc Giang đang đẩy mạnh hoạt động. Đặc biệt, hơn 200 thương nhân Trung Quốc sẽ có mặt tại vùng vải để khảo sát, ký kết hợp đồng thu mua vải thiều vào cuối tháng 5.
Hơn 20 nhà nghỉ tại huyện Lục Ngạn đã được bố trí sẵn sàng chào đón thương nhân Trung Quốc đăng ký đến địa phương thu mua vải vào cuối tháng này.
Xác định hình thức tiêu thụ chủ yếu là bán quả vải tươi, các cơ sở sơ chế, đóng gói và sản xuất hàng phụ trợ đã chủ động phương án sản xuất, kinh doanh. Tại Lục Ngạn, hiện có 5 doanh nghiệp sản xuất thùng xốp, 37 kho chứa xốp, 42 xưởng sản xuất nước đá công nghiệp và một số cơ sở sản xuất thùng nhựa đáp ứng đủ nhu cầu trong mùa vải.
Bên cạnh các thị trường truyền thống, năm nay, tỉnh Bắc Giang dự kiến xuất khẩu 1.500 tấn vải thiều sang Hoa Kỳ. (Ảnh minh họa - Ảnh: VOV)
"2 kho lạnh chuẩn bị 7.500 tấn nước đá, công suất là 375 tấn/ngày để phục vụ cho bà con Lục Ngạn", ông Vũ Mạnh Lân, chủ cơ sở sản xuất nước đá công nghiệp Huệ Lân, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, cho biết.
"Chúng tôi đã xây dựng một số kho xưởng mới, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu lắp đặt công nghệ chế biến, bảo quản mới", ông Nguyễn Thể Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, cho hay.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của vải thiều Bắc Giang. Năm nay, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 96.000 tấn, chiếm khoảng 53% sản lượng và tăng khoảng 15% so với năm 2022. Tháng 6 tới, lần đầu tiên tỉnh này sẽ tổ chức quảng bá hàng nông sản tại Hội chợ hàng hóa Trung Quốc - Việt Nam tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
"Sở Công Thương sẽ thành lập 2 tổ công tác hỗ trợ thương nhân xuất khẩu qua cửa khẩu tại Lào Cai và Lạng Sơn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc", ông Ngụy Đình Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, thông tin.
Bên cạnh xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, một hình thức khác đưa vải đi xa hơn là khai thác du lịch, giá trị tinh thần từ quả vải. Dự kiến các tour du lịch nằm trong chương trình "Lục Ngạn mùa vải chín" sẽ diễn ra từ ngày 5/6.
Để quả vải đáp ứng mọi yêu cầu xuất khẩu
Năm nay, tổng diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang là hơn 29.000 ha. Thời điểm này, các nhà vườn chăm sóc đang chuẩn bị những khâu cuối giúp vải đạt đọ dày cùi và ngọt nước; đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn khác nhau của các thị trường.
Vợ chồng anh Hùng cùng bà con ở Lục Ngạn đang bắt tay vào dọn dẹp lại vườn và bón phân để cây đủ dưỡng chất cho quả non. Sau khi bón phân, các hộ sẽ phun thuốc phòng bệnh theo danh mục cho phép. Thời điểm này, 80% cây ra hoa đã đậu quả. Nếu thời tiết thuận, 1 ha, gia đình sẽ thu khoảng 15 tấn quả.
"Tính được thời điểm vải chín thì cách đó 25 - 30 ngày, họ sẽ bảo mình dừng dùng thuốc. Sau đó họ sẽ lấy mẫu test", anh Nguyễn Văn Hùng, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, chia sẻ.
"Chúng tôi thành lập Ban chỉ đạo đến các hợp tác xã và từng hộ dân để giám sát, hướng dãn và kiểm tra các quy trình chăm sóc để đảm bảo chất lượng và mẫu mã đẹp", ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, cho hay.
Bên cạnh các thị trường truyền thống, năm nay, tỉnh Bắc Giang dự kiến xuất khẩu 1.500 tấn vải thiều sang Hoa Kỳ. Quả vải xuất đi cần đáp ứng nghiêm ngặt tiêu chuẩn về chất lượng, đặc biệt phải được chiếu xạ đạt tiêu chuẩn kiểm dịch theo quy định. Cục Bảo vệ thực vật đã và đang đồng hành với các vùng vải trong hoạt động này.
Bắc Giang vừa được cấp thêm 12 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Australia và Thái Lan. Bên cạnh đó, hiện toàn tỉnh có 110 mã số xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc, 37 mã xuất khẩu sang Nhật Bản và 15 mã xuất khẩu sang Mỹ.
VTV.vn - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa cấp thêm 12 mã số vùng trồng vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường Australia và Thái Lan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.43473902142503202-uv-hnihc-iav-aum-ohc-gnas-nas-gnaig-cab/et-hnik/nv.vtv