Có nên "phơi" giấy khen lên mạng xã hội hay không? Con mình học giỏi mình có quyền khoe? Khoe như vậy có lợi ích gì, chỉ mua vui cho mình nhưng vô tình tạo thêm áp lực cho con trẻ? - đó là những phản hồi xung quanh vụ việc này.
Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục BẠN ĐỌC LÀM BÁO giới thiệu một vài ý kiến tiêu biểu của người trong cuộc.
- Có gì mà căng thế, đâu cần phải nâng quan điểm đến mức như vậy? Bạn bè tôi thỉnh thoảng vẫn đưa hình con, cháu lên mạng...
Người thân, đồng nghiệp chúc mừng, chia sẻ niềm vui, hạnh phúc của bạn. Bảng điểm thì cuối học kỳ, cuối năm mới có, một năm chỉ có hai lần, sau một năm vất vả nuôi dạy con cái, thành tích học tập của con cái là công sức của thầy và trò, là niềm động viên tinh thần cho ông bà, cha mẹ...
Mong rằng cuối năm cha mẹ nào cũng có cơ hội "được khoe" như vậy, cuộc sống không chỉ có niềm vui mà có cả nỗi buồn, "khoe" niềm vui, động viên tinh thần nhau một tí, thiết nghĩ đâu có gì mà phải ầm ĩ.
Bạn đọc MINH TRÍ
Tại sao không đề cập đến việc lan tỏa những điều tốt, tích cực đến xung quanh nhờ những thành tích tốt của con?
Thi đua học tập là một phong trào tốt luôn được phát huy, các bạn học chưa giỏi thì cần cố gắng hoặc giả các bạn và gia đình bạn đó không có nhu cầu giỏi thì họ không cần cố gắng, kệ họ.
Các em học giỏi cần được khen ngợi, công nhận và lan tỏa! Còn em nào giỏi không thực chất cũng tự xem lại bản thân.
Con trẻ cũng cần động lực phấn đấu và có cả chút áp lực để thích nghi dần với cuộc sống, chứ lúc nào cũng o bế nâng niu tạo sự thoải mái nhất không chút áp lực nào thì sao mà tồn tại trong xã hội thời nay?
Bạn đọc NHÂN DÂN
Đúng rồi, các bạn có quyền khoe thành tích con của bạn, trên trang của bạn, đó là nhu cầu chính đáng của bạn.
Còn vấn đề là đó có phải thực sự là thành tích hay không, hay việc khoe đó có nên hay không, bạn có quan tâm không?
Và vấn đề là con bạn có đồng ý cho bạn khoe hay không, đó là cái quyền mà bạn cần để ý. Bạn có chú ý điều đó khi khoe cái của người khác như vậy không?
Bạn đọc TRẦN TRUNG
Theo tôi, khoe khoang dù ở bất cứ phương diện nào đều không nên được khích lệ. "Hữu xạ tự nhiên hương", mình hay con mình có "thơm" hay không mọi người xung quanh có thể tự cảm nhận được chứ không nhất thiết phải khoe.
Không tự nhiên mà trong các chương trình giáo dục ở các nước phát triển, điểm từng môn học/điểm tổng kết... nhà trường họ không công bố công khai, thay vào đó là gửi riêng cho từng học viên thông qua phong bì dán kín đặt ở hộp thư riêng của từng học viên.
Họ chỉ công bố chung cái phân phối điểm để qua đó từng học viên có thể biết điểm mình đang nằm ở vị trí nào trong lớp.
Ý nghĩa sâu xa ở đây là gì không biết, nhưng ai cũng có thể hiểu rõ là cách làm này tạo cho mọi học viên tâm lý khá dễ chịu, vì không ai biết ai bao nhiêu điểm cũng như ai là người điểm cao nhất hay thấp nhất.
Thiết nghĩ các trường học Việt Nam cũng nên học theo cách này.
Bạn đọc MẠNH VÕ
Cháu nhà tôi nếu có thứ hạng cao thì chúng tôi cũng không bao giờ khoe. Chúng tôi luôn cho đó là ăn may thôi vì chúng tôi thừa biết điểm số thành tích nó ảo thế nào.
Chúng tôi chỉ khen và động viên cháu vì đã chăm học và có điểm số tốt, nhưng cũng rất lo về tâm lý của cháu vì một khi đã ở trên đỉnh điểm số (một phần ảo) thì sau đó có điểm số thấp dễ tạo áp lực cho cháu.
Sau cùng, nền giáo dục nên xem lại, một lớp với sĩ số 41 em thì hết 30 em học sinh xuất sắc thì danh hiệu xuất sắc trở thành vô nghĩa.
Bạn đọc PHÚC NGUYỄN
Khoe con giỏi trên mạng là gây áp lực lớn nhất cho con, không chỉ con không đồng ý bố mẹ làm như vậy, nhiều em phản ứng, nhiều em căng thẳng đến xấu hổ, trầm cảm.
Hệ lụy với trẻ về việc này rất lớn, suy nghĩ các em còn non, bồng bột... hệ lụy có thể đến bất cứ lúc nào, e rằng bố mẹ hối hận không kịp.
Bạn đọc VŨ VĂN HIỀN
Thăm dò ý kiến
Nhiều phụ huynh thích khoe giấy khen, bảng điểm của con lên mạng xã hội. Theo bạn việc này:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Sau buổi họp phụ huynh cuối năm, "hội khoe con" hỉ hả tung bảng điểm, thành tích con cái lên mạng xã hội.