Thực hiện đề án số 06 về định danh và xác thực điện tử, Công an Hà Nội đã ban hành kế hoạch về mục tiêu hoàn thành việc cấp, kích hoạt mã định danh điện tử VNeID cấp độ 2 cho người dân "càng sớm càng tốt".
Không bỏ sót bất cứ người dân nào
Công an Hà Nội đã phối hợp với sinh viên các trường đại học, cao đẳng đi đến từng nhà người dân hỗ trợ cài đặt, kích hoạt, hướng dẫn sử dụng ứng dụng VNeID.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, có thời điểm tới tận 22h đêm, lực lượng công an phường vẫn miệt mài "gõ từng nhà" để hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng VNeID, với mục tiêu "không bỏ sót bất kỳ người dân nào".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một cán bộ Công an phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) cho biết hiện tại, đơn vị đã hoàn thành trên 70% chỉ tiêu đặt ra, thực hiện kích hoạt mã định danh điện tử VNeID cấp độ 2 cho hơn 13.000 người dân trên địa bàn phường.
"Chúng tôi vẫn đang cố gắng đẩy nhanh tốc độ thực hiện để đảm bảo đúng tiến độ" - cán bộ trên nói.
Cũng theo cán bộ trên, để hoàn thành mục tiêu, công an phường sẽ đến từng gia đình hỗ trợ người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử mức độ 1. Sau đó tại trụ sở công an phường, người dân sẽ được hỗ trợ cài đặt tiếp mức độ 2.
"Đây là một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thông tin cá nhân của người dân trên Internet" - cán bộ Công an phường Dịch Vọng Hậu nói thêm.
Nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ từ phía lực lượng công an, cô Nguyễn Hà Vân (68 tuổi, ngõ 86 Trần Thái Tông, Cầu Giấy) nói: “Nếu không có công an phường xuống tận nhà thì cô cũng không biết cái định danh điện tử này là gì đâu.
Việc các anh xuống từng nhà người dân thế này là rất tốt, giúp cô cùng mọi người nắm bắt rõ hơn lợi ích của ứng dụng, mà cũng giúp người dân thực hiện chính xác hơn, nhanh hơn rất là nhiều” .
Vẫn còn nhiều khó khăn
“Có rất nhiều nhà chúng tôi đến lần 3, lần 4 nhưng vẫn không có ai ở nhà. Bên cạnh đó, hầu hết những trường hợp công an xuống tận nơi hướng dẫn cài đặt VNeID chủ yếu là người lớn tuổi.
Mặc dù có điện thoại thông minh nhưng họ chỉ biết nghe gọi, không thể tự mình cài ứng dụng được. Có nhiều người dân lớn tuổi sau khi được hỗ trợ cài đặt thành công lại không thể nhớ được mật khẩu cũng như mã 6 chữ số, gây rất nhiều khó khăn trong việc sử dụng VNeID" - một cán bộ công an phường tại Hà Nội thông tin.
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều người dân lại nhất định không chịu thực hiện định danh điện tử vì lo ngại sẽ bị làm phiền. Cán bộ công an do đó phải giải thích, vận động người dân.
Công an Hà Nội đặt mục tiêu từ ngày 1-1 đến 14-10-2023, bảo đảm 100% cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân có tài khoản định danh điện tử, tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia và cài đặt ứng dụng VNeID.
Phấn đấu đến 30-11-2023, 100% UBND các phường, thị trấn và 80% UBND các xã bố trí các mô hình hỗ trợ nhân dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
VNeID dùng để làm gì?
VNeID là một ứng dụng trên thiết bị di động được phát triển bởi Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an, với mục đích thay thế cho giấy tờ truyền thống. Mỗi cá nhân, tổ chức chỉ sử dụng duy nhất một mã số là mã định danh. Mã số này được cấp từ khi sinh ra và không trùng lặp với cá nhân, tổ chức khác. Người dân có thể sử dụng VNeID thực hiện các dịch vụ công trực tuyến như: thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, khai báo tạm trú, tạm vắng,...Bên cạnh đó, ứng dụng VNeID cũng có thể thay thế căn cước công dân gắn chip và các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng.
Mới đây, ứng dụng định danh điện tử VNeID đã tích hợp thêm thông tin cư trú, nhân khẩu có thể giúp giải quyết vướng mắc liên quan giấy xác nhận cư trú khi người dân làm các thủ tục, giao dịch.
Xem thêm: mth.10163453142503202-dienv-taoh-hcik-nad-gnouh-nad-ahn-ned-nav-na-gnoc-med-h22/nv.ertiout