Tại hội thảo Trẻ em trong thế giới số - Giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội, ngày 24-5, các chuyên gia đưa ra cảnh báo về tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục với trẻ trên Internet, nhất là khi Việt Nam có khoảng 85 triệu “công dân mạng”.
Dấu hiệu của tội phạm tình dục trên mạng
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh - chuyên gia chương trình bảo vệ trẻ em UNICEF, khi bắt nạt ngoài đời, thủ phạm thường là kẻ mạnh, dùng bạo lực để ép buộc. Song trên mạng, trẻ em có thể bị một người ẩn danh, mạo danh chế giễu, chỉ trích, miệt thị hay bình luận ác ý, thậm chí công kích, đe dọa, làm mất mặt…
Cảnh báo về tội phạm “mồi chài, gạ gẫm”, xâm hại trẻ em trên mạng, ông Anh chỉ rõ kẻ xấu ban đầu sẽ làm quen, chiếm tình cảm, giả vờ yêu để thao túng các em.
Sau đó, trẻ sẽ được thuyết phục ghi lại, chia sẻ hình ảnh, clip có nội dung tình dục hoặc sắp xếp cuộc gặp trực tiếp. Khi có hình ảnh, clip đó, các đối tượng xấu sẽ đe dọa, ép buộc các em làm theo yêu cầu, nếu không sẽ gửi cho gia đình, bạn bè hoặc công khai lên mạng.
Theo ông Ngọc Anh, bóc lột tình dục trên mạng được coi là hành vi hình sự ở một số nước và được xác định khi trẻ em phải thực hiện hành vi tình dục trước webcam máy tính, smartphone… Qua đó, người xem trả tiền để xem trực tiếp hoặc ra lệnh theo ý muốn.
“Tội phạm có thể liên lạc với những người trẻ bằng cách chơi trò chơi như Minecraft, Fortnite, nhưng sau đó chuyển sang các ứng dụng khác để tiếp tục mồi chài, gạ gẫm họ”, ông Ngọc Anh nói.
Đa số vụ xâm hại trẻ em trên mạng là xâm hại tình dục
Tại hội thảo, thượng úy Lê Nhật Thịnh - đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an - cho biết khoảng 10.000 trang mạng có nội dung độc hại bị ngành công an ngăn chặn thời gian qua.
Quý 1-2023, công an cả nước đã tiếp nhận, xác minh, xử lý 135 vụ việc xâm hại, vi phạm quyền trẻ em trên mạng. Trong đó tới 86% (116 vụ) liên quan đến xâm hại tình dục, 13 vụ việc trẻ bị phát tán thông tin, làm nhục, xúc phạm danh dự...
Tuy nhiên, cán bộ này nhận định vẫn còn nhiều vụ dụ dỗ trẻ em bỏ nhà đi hoặc gọi điện thông báo con bị nạn cho phụ huynh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo ông Thịnh, ngành công an sẽ điều phối, xử lý khẩn cấp các vụ việc liên quan đến trẻ em. “Quan điểm của Bộ Công an là bằng mọi phương thức, nhanh nhất xác minh, xử lý các vụ xâm hại, bạo lực tình dục liên quan đến trẻ em”, ông Thịnh nói.
Theo bà Lesley Miller - phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, nhiều trẻ "ngây thơ" khi chia sẻ hình ảnh, video liên quan đến tình dục trên mạng dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Dẫn một báo cáo ẩn danh thực hiện vừa qua, bà Lesley Miller cho hay cứ 5 trẻ thì có 1 em là nạn nhân bắt nạt trên mạng và 3/4 trong đó không biết tìm kiếm sự giúp đỡ. Do vậy, bà khuyên phụ huynh cần nhắc nhở các em không kết bạn với người lạ và chủ động khuyên răn, chia sẻ khi trẻ cần.
Còn Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh xâm hại trẻ em trên môi trường mạng không khác gì ngoài đời thực và để lại các di chứng, hậu quả lâu dài.
Từ các hình ảnh, video rò rỉ, trẻ em có thể bị ám ảnh suốt đời, thậm chí nhiều vụ dẫn tới trẻ tự hủy hoại bản thân. Do đó, bà kêu gọi cả xã hội đồng hành trong bảo vệ trẻ trên không gian mạng.
Kỳ họp 11 Hội đồng Trẻ em TP.HCM ngày 13-5 diễn ra tại trụ sở Thành Đoàn TP.HCM, với nhiều ý kiến từ 150 đại biểu đến từ các trường tiểu học và THCS tại TP.HCM.
Xem thêm: mth.51604627142503202-oan-eht-gnam-nert-me-ert-iah-max-mag-ag-iahc-iom-mahp-iot/nv.ertiout