Cố giữ lao động khi đơn hàng giảm
Ghi nhận trong ngành da giày và dệt may, số lượng đơn hàng giảm từ đầu năm tới nay, nên nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa các xưởng sản xuất. Những doanh nghiệp còn hoạt động thì cố gắng tổ chức sản xuất bình thường trong bối cảnh đơn hàng ít và việc làm thiếu.
Từ sau Tết, khoảng 1.000 người tại Công ty TNHH Sao Vàng nghỉ việc và chuyển việc. Công ty này đã dồn lao động từ xưởng ở huyện khác về để tiết kiệm chi phí.
Giờ này năm trước, công nhân chạy 3 ca, còn bây giờ chỉ 8 tiếng. Doanh nghiệp cũng phải cân đối lại đơn hàng để chia đều việc cho các nhà máy. Công nhân ở xưởng ít việc được bố trí xe đưa đón đi làm ở các xưởng có nhiều việc.
Mỗi tháng thu nhập của 1 công nhân giảm khoảng 3 triệu, dù vậy công ty cam kết đóng đầy đủ bảo hiểm và đảm bảo phúc lợi cho người lao động.
Trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, khiến nhiều người lao động bị cắt giảm giờ làm. Ảnh minh họa.
Thống kê của hiệp hội da giày cho thấy, số lượng đơn hàng giảm tới 30%. Với những doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, điều cần quan tâm lúc này là tìm cho người lao động việc làm mới.
Về lâu dài, hỗ trợ cho người lao động khi bị thiếu hay mất việc làm, không đơn thuần là tìm việc làm mới cho họ, mà cần phải thay đổi cơ cấu nguồn nhân lực. Quá nhiều lao động phổ thông sẽ bị ảnh hưởng rất lớn khi phụ thuộc vào các đơn hàng từ nước ngoài.
Doanh nghiệp ĐBSCL tăng tuyển dụng lao động
Trong lúc này, tại ĐBSCL, nhiều doanh nghiệp, công ty lại đang có nhu cầu tăng tuyển dụng phục vụ sản xuất. Thậm chí, có doanh nghiệp tuyển dụng cùng lúc hàng nghìn lao động. Các lĩnh vực thế mạnh của ĐBSCL như thủy sản, trái cây… đang được đầu tư mở rộng các nhà máy chế biến. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Một hợp tác xã cho biết, chanh không hạt, bưởi 5 Roi… của hợp tác xã dự kiến sẽ cập bến các nước Australia, Nhật Bản, New Zealand. Kéo theo đó các đơn hàng 6 tháng cuối năm sẽ tăng hơn 30% so với năm ngoái. Do vậy, hợp tác xã tăng tuyển dụng thêm khoảng 120 lao động.
Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Phú Thịnh cũng cho hay, doanh nghiệp đang cần thêm 150 lao động nhằm kịp sản xuất trái xoài đang bước vào mùa chín rộ. Dự kiến sản lượng đợt này khoảng 1.000 tấn. Tuy nhiên, tính mùa vụ là bài toán nan giải mà doanh nghiệp phải đối mặt khi cần một lượng lớn công nhân.
Trong lúc này, tại ĐBSCL, nhiều doanh nghiệp, công ty lại đang có nhu cầu tăng tuyển dụng phục vụ sản xuất. Ảnh minh họa.
Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn hàng từ doanh nghiệp đã quay trở lại ổn định. Điều này đã kéo theo nhu cầu tuyển dụng tại các khu công nghiệp tăng thêm 3.600 lao động, tập trung vào các ngành nghề: may mặc, chế biến thuỷ sản, thực phẩm, cơ khí - điện tử…
Dự báo nửa năm còn lại, nhu cầu lao động sẽ còn tăng cao do lượng doanh nghiệp mới đi vào hoạt động.
Các doanh nghiệp nhận định, trong bối cảnh các đơn hàng còn đang gặp nhiều khó khăn thì việc mở rộng, tìm thêm các thị trường mới là cách để nhà máy giữ được đà tăng trưởng sản xuất. Do vậy, lực lượng lao động đóng vai trò khá quan trọng giúp họ hoàn thành được kế hoạch đã đề ra.
VTV.vn - Đầu năm nay, 40.000 người lao động trong ngành nhôm đã bị giảm thu nhập, mất việc khi sản xuất chỉ ở mức 30 - 40% công suất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.13465729142503202-mal-oig-maig-tac-ib-gnod-oal-ueihn-maig-tus-gnah-nod/et-hnik/nv.vtv