Tối 24-5, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông tin Bộ Y tế đã chuyển 6 lọ thuốc Botulinum gửi từ kho của Tổ chức Y tế thế giới tại Thụy Sĩ về Việt Nam để điều trị ngộ độc cho các bệnh nhân.
Trước đó, ba bệnh nhân ngộ độc botulinum tại TP.HCM đang điều trị tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy hết thuốc giải độc trong tình trạng nguy kịch, trong khi cả nước đã cạn thuốc giải.
Để có thuốc khẩn cấp điều trị ngộ độc botulinum, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã làm việc với các bộ phận liên quan của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Đến chiều 23-5, bà Đào Thị Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế, đã có buổi làm việc trực tiếp với văn phòng WHO tại Hà Nội. Ngay sau đó, WHO đã quyết định viện trợ khẩn cấp thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent cho các bệnh nhân đang được điều trị tại các BV ở TP.HCM.
Với sự nỗ lực của Cục quản lý Dược – Bộ Y tế, các cơ quan chức năng của Việt Nam và sự hỗ trợ kịp thời của WHO, tối 24-5, 6 lọ thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent được gửi từ kho của WHO tại Thuỵ Sĩ đã về đến TP. HCM. 6 lọ thuốc này đã kịp thời điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc botulinum.
6 lọ thuốc giải độc đã về đến BV Chợ Rẫy để cứu bệnh nhân ngộ độc botulinum. Ảnh: BVCC |
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo Cục Quản lý Dược đã làm việc với nhiều cơ quan chức năng để làm sao chuyển được số thuốc nhanh nhất về đến Việt Nam điều trị cho nhiều bệnh nhân đang chờ đợi.
Như PLO đã đưa tin, ngày 20-5, hai anh em ruột (18 tuổi và 26 tuổi) ăn bánh mì kẹp chả lụa của người bán dạo, một người là nam 45 tuổi ăn một loại mắm để lâu ngày, cả ba đều bị ngộ độc botulinum. Hiện hai trong ba bệnh nhân đang thở máy.
Trước đó ngày 13-5, gia đình bốn người (ngụ TP.Thủ Đức) gồm một người dì cùng ba anh em ruột là NVH (14 tuổi), NVĐ (13 tuổi) và NTX (10 tuổi) mua giò lụa từ người bán dạo không rõ nguồn gốc để ăn với bánh mì. Trong đó có ba trẻ bị ngộ độc botulinum. Hiện cả ba trường hợp này đều đang phải thở máy. Kỳ vọng với 6 lọ thuốc BAT được viện trợ sẽ cứu sống được các bệnh nhân.
TS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết trường hợp ngộ độc botulinum, nếu được sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm, chỉ trong vòng 48-72 tiếng, bệnh nhân có khả năng thoát khỏi tình trạng bị liệt, không cần phải thở máy. Hoặc nếu thở máy, trong khoảng thời gian trung bình từ 5-7 ngày, bệnh nhân có thể hồi phục và cai máy thở.
Tuy nhiên trường hợp không có thuốc giải độc BAT, BS phải điều trị hỗ trợ chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy. Vì chất độc của botulinum làm tổn thương hệ thần kinh dẫn tới liệt cơ, không thở được.
Trước đây chưa có hỗ trợ về máy thở, hỗ trợ xâm lấn đường hô hấp, bệnh nhân sẽ rất dễ tử vong. Ngày nay đã có phương tiện hỗ trợ như thở máy, vấn đề điều trị ngộ độc sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên kết quả không được mong muốn như khi sử dụng thuốc.