Thị trường tiếp tục một phiên giao dịch trong biên độ hẹp dù đã có những tin tức tích cực, khối ngoại vẫn duy trì đà bán ròng khiến tâm lý nhà đầu tư còn hoang mang.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/5, VN-Index giảm 4,06 điểm, tương đương 0,38% xuống 1.061,79 điểm. Toàn sàn có 168 mã tăng, 215 mã giảm và 55 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,17 điểm, tương đương 0,08% lên 215,96 điểm, UPCoM-Index giảm 0,07 điểm, tương đương 0,09% đạt 80,93 điểm. Chỉ số đại diện nhóm VN30 ghi nhận mức giảm sâu nhất 6,5 điểm với 23 mã giảm giá.
Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên đạt 15.850 tỷ đồng, tăng 4,5% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE đạt 13.770 tỷ đồng, tăng 7% so với phiên trước. Nhóm VN30 được sang tay 4.771 tỷ đồng.
Nhận định đầu tư
Chứng khoán VCBS: Xét về khung đồ thị ngày, VN-Index vẫn đang giao dịch trong biên độ hẹp quanh vùng điểm 1.060 - 1.070. Tuy nhiên, tại khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo RSI và MACD vẫn đang hướng xuống cho thấy việc rung lắc, tăng giảm đan xen vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trước khi bước vào nhịp tăng mới.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư vẫn tiếp tục duy trì tỉ trọng cổ phiếu, bám sát thị trường, tận dụng những nhịp rung lắc mạnh để giải ngân gia tăng tỉ trọng đối với những cổ phiếu đã khả dụng trong danh mục và đang thu hút được lực cầu tốt như chứng khoán, dầu khí.
Chứng khoán Yuanta: Nhóm phân tích cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp điều chỉnh trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại đường trung bình 20 phiên (tức là mức 1.055 điểm).
Đồng thời, Yuanta đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn có dấu hiệu gia tăng cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua mới trong giai đoạn này và thị trường có thể sẽ chững lại đà tăng trong ngắn hạn, đồ thị giá của các chỉ số chính có thể sẽ biến động hẹp với thanh khoản thấp trong vài phiên tới.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TĂNG. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại và hạn chế mua mới trong giai đoạn này hoặc có thể xem xét chốt lời một phần tỉ trọng với các cổ phiếu đã có mức tăng trưởng mạnh trong thời gian qua.
Chứng khoán PSI: Đồ thị kỹ thuật tiếp tục kết phiên và vi phạm mốc MA10 ngày (1.065 điểm) cho thấy rủi ro trong ngắn hạn có phần hiện hữu và áp lực điều chỉnh có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian ngắn. Trong kịch bản tích cực, vùng điểm 1.040 – 1.055 sẽ là vùng đệm hỗ trợ cho chỉ số.
Vì vậy, nhóm phân tích giữ nguyên quan điểm nắm giữ danh mục và gia tăng thêm tỉ trọng theo từng phần ở những cổ phiếu đã có lợi nhuận khi thị trường chung có nhịp chỉnh.
Tin vắn chứng khoán
- PMI tổng hợp của Mỹ - chỉ số theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ - đã tăng lên mức 54,5 trong tháng 5, cao nhất kể từ tháng 4/2022 và lớn hơn so với mức 53,4 của tháng 4/2023.
Kết quả khảo sát được tổ chức S&P Global công bố ngày 23/5 cho thấy hoạt động kinh doanh ở Mỹ trong tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 13 tháng qua, nhờ sức tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực dịch vụ - dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang lấy lại động lực vào đầu quý II/2023, bất chấp nguy cơ suy thoái gia tăng.
PMI (chỉ số quản lý thu mua) tổng hợp của Mỹ - chỉ số theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ - đã tăng lên mức 54,5 trong tháng 5, cao nhất kể từ tháng 4/2022 và lớn hơn so với mức 53,4 của tháng 4/2023.
- Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VIII đều được xây dựng nhằm đáp ứng kịch bản phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7% và tăng trưởng tiêu thụ điện trung bình khoảng 9% trong giai đoạn 2021 - 2030.
Tuy nhiên, tỉ trọng cơ cấu nguồn điện đã có sự thay đổi đáng kể. Dự kiến điện khí sẽ là nguồn điện mũi nhọn trong giai đoạn 2021-2030 với tăng trưởng kép đạt 26%, mức cao nhất trong số các nguồn điện chính và chiếm 27% tổng công suất nguồn điện.
Trong giai đoạn 2030 - 2050, tăng trưởng kép điện khí sẽ chậm lại đạt 4%, chiếm 15% tổng công suất. Với tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo lớn của Việt Nam, dự kiến phát triển điện gió sẽ là mục tiêu quan trọng nhất trong cả ngắn và dài hạn.
Theo đó, điện gió sẽ tăng trưởng kép 25% trong 2021 - 2030 và 6% trong 2030 - 2050, chiếm lần lượt 13% và 14% tổng công suất nguồn trong 2 giai đoạn này.
Sau giai đoạn phát triển ồ ạt 2020 - 2021, dự kiến tăng trưởng công suất điện mặt trời sẽ chậm lại từ nay đến 2030. Tuy nhiên, Quy hoạch điện VIII vẫn khuyến khích phát triển không giới hạn điện mặt trời với mục đích tự tiêu thụ.
Theo đó, công suất điện mặt trời dự kiến tăng trưởng khiêm tốn giai đoạn 2021- 2030 và tăng mạnh trở lại 15% từ 2030 trở đi, và chiếm 33% tổng công suất nguồn điện trong 2050.