Hakuhodo Inc., công ty quảng cáo lớn thứ hai tại Nhật Bản, có chi nhánh ở Việt Nam (HILL ASEAN) vừa công bố những nghiên cứu mới nhất về văn hóa Fandom Việt Nam - một làn sóng xu hướng đang nổi lên trong hành vi người tiêu dùng.
Theo HILL Việt Nam, Fandom là cộng đồng gồm những người hâm mộ cuồng nhiệt có chung sở thích ở các lĩnh vực như ca sĩ thần tượng, manga, thể thao, nấu ăn... Những người hâm mộ này tạo ra một cộng cộng có văn hóa ứng xử riêng xoay quanh đam mê của họ và đồng thời cũng có những hành vi tiêu dùng riêng.
Hiểu hành vi tiêu dùng của những người trong Fandom sẽ giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận và bán được hàng.
Cụ thể, qua kết hợp dữ liệu khảo sát 700 mẫu và nghiên cứu dư luận xã hội ở 10 nhóm Fandom, phân tích hơn 600 bài đăng cùng 2000 tương tác trên mạng xã hội, hãng quảng cáo này cho biết khi thu nhập tăng cao, họ có xu hướng tham gia hoặc thành lập các Fandom liên quan đến sở thích và đam mê cá nhân để đạt được cảm giác hoàn thiện hơn trong cuộc sống.
HILL Việt Nam tiết lộ rằng các cá nhân là thành viên của một Fandom thường đầu tư một khoản tiền và thời gian đáng kể cho cộng đồng của họ. "Những người tham gia Fandom thường có hành vi tiêu dùng theo lối sống, họ sẵn sàng bỏ thời gian, tiền bạc để chi tiêu cho thứ bản thân mình thích, để được thoải mái hơn, sống đúng đam mê của mình. Về mặt sản phẩm, mỗi Fandom lại có những nhóm sản phẩm khác nhau được yêu thích ví dụ như chạy bộ, hay xe ô tô… Rất đa dạng nhưng có điểm chung là họ sẵn sàng đầu tư và chi trả cho đam mê, sở thích của mình", ông Nguyễn Đô Thành ,Giám đốc Kế hoạch chiến lược của HILL Việt Nam phân tích.
Người tham gia Fandom tại Việt Nam sẵn sàng chi tiêu cho sở thích của họ.
Từ những nghiên cứu mới công bố về hành vi tiêu dùng của Fandom tại Việt Nam, hãng quảng cáo đến từ Nhật Bản cho rằng các nhãn hàng, doanh nghiệp có thể nhìn nhận và tiếp cận nhóm khách hàng đặc trưng và trung thành này.
Theo đó, với việc nhận định những người tham gia Fandom thực sự vì sở thích và đam mê, họ nhận về sự phong phú cuộc sống và có cơ hội được phát triển cá nhân, truyền cảm hứng và giúp mọi người tự khẳng định mình. Do đó, thông qua cách tiếp cận gọi là "bất ngờ có kế hoạch", HILL cho rằng các thương hiệu có thể cùng Fandom nuôi dưỡng một môi trường nơi các cá nhân tham gia được đánh giá cao, những người đóng góp tích cực cho sự phát triển của thương hiệu; thiết lập một mục đích chung với người tiêu dùng; nuôi dưỡng cảm giác đồng hành để thúc đẩy mọi người mời những người khác tham gia bằng cách thiết lập các mục tiêu tăng trưởng cả ngắn hạn và dài hạn.
Tại nhiều quốc gia châu Á hiện nay, nền kinh tế dựa vào Fandom đã giúp nhiều doanh nghiệp thực sự hồi sinh, tăng doanh thu bán hàng, gắn kết với các nhóm khách hàng mục tiêu và cùng nhau chia sẻ lợi ích.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.82263638142503202-gnah-nab-gnat-peihgn-hnaod-puig-eht-oc-modnaf-ev-iom-uuc-neihgn/et-hnik/nv.vtv