vĐồng tin tức tài chính 365

Quốc hội bàn chuyện giảm 2% thuế giá trị gia tăng

2023-05-25 08:20

Chiều 24-5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày trước Quốc hội tờ trình về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội.

Quốc hội bàn chuyện giảm 2% thuế giá trị gia tăng ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%. Ảnh: QH

Chính sách lợi dân, được nhiều hơn mất

Về lý do cần thiết của việc tiếp tục thực hiện chính sách trên, ông Phớc cho hay dự báo tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, là thách thức với nền kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp (DN) cũng như cuộc sống của người dân.

Chính vì vậy cần có các chính sách để hỗ trợ người dân và DN, nhất là chính sách về thuế, một trong những giải pháp được nhiều nước áp dụng thành công.

Tại Việt Nam, việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết 43/2022/QH15 trong 11 tháng đã hỗ trợ DN và người dân tổng cộng khoảng 44,5 ngàn tỉ đồng. Chính sách đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

“Khi thực hiện giảm thuế VAT theo Nghị quyết 43 đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế VAT nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ” - bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin.

Vị bộ trưởng nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách này để hỗ trợ DN và người dân là cần thiết.

Ông Phớc cho hay nếu kéo dài thời gian thực hiện chính sách này trong sáu tháng cuối năm 2023 thì dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 24.000 tỉ đồng. Khoản này Chính phủ có thể bù đắp bằng các giải pháp quản lý chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, tiết kiệm chi thường xuyên.

Đổi lại, việc triển khai chính sách sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.

Đặc biệt chính sách sẽ giúp người dân giảm chi phí khi tiêu dùng, còn DN thì được nhận thêm trợ lực để tăng khả năng phục hồi.

Chính phủ cần đánh giá kỹ để bảo đảm đạt được mục tiêu kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đóng góp trở lại cho ngân sách.

Khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu

Trình bày báo cáo thẩm tra về chính sách này, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS), cho hay đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS tán thành việc kéo dài thực hiện chính sách giảm VAT 2% theo nghị quyết của Quốc hội như đề nghị của Chính phủ.

Các chính sách này sẽ tiếp tục góp phần hỗ trợ người dân, khu vực DN phục hồi và phát triển, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế đang có những dấu hiệu suy giảm và các khu vực sản xuất, kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn.

“Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về tác động của việc giảm thuế để bảo đảm đạt được mục tiêu đặt ra khi đề xuất ban hành chính sách như kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách...” - ông Mạnh nêu và cho biết thêm có ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng hưởng chính sách này, thậm chí có ý kiến đề nghị nâng tỉ lệ giảm thuế VAT đến 4% để khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu.

Chủ nhiệm Ủy ban TCNS cho biết một số ý kiến cho rằng tờ trình của Chính phủ đã đề cập một số biện pháp để khắc phục và bù đắp các tác động giảm thu ngân sách năm 2023, tuy nhiên các biện pháp này tập trung chủ yếu vào công tác quản lý.

“Trong bối cảnh tình hình kinh tế và nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023 dự kiến còn nhiều khó khăn, đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn về phương án, giải pháp bù đắp các khoản giảm thu này…” - ông Mạnh nói.

Theo chủ nhiệm Ủy ban TCNS, một số ý kiến cho rằng việc thực hiện chính sách trong sáu tháng cuối năm 2023 có thể là chưa đủ thời gian để phát huy tác dụng, làm cho chính sách khó đạt được các mục tiêu đặt ra.

“Do đó, đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng chính sách so với đề xuất của Chính phủ để bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả” - ông Mạnh nói.•

Bà LÝ KIM CHI, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM:

Cần giảm thuế VAT kéo dài qua mùa tết 2024

Đợt giảm thuế VAT năm 2022 đã mang lại hiệu quả tích cực giúp DN phục hồi sau đại dịch, vẫn giúp nguồn thu ngân sách tăng.

Mức giảm 2% cũng phù hợp vì DN cũng hiểu phải cân đối thu chi ngân sách nhưng chúng tôi mong muốn kéo dài đến tháng 6-2024. Vì đối với các DN bán lẻ, phải điều chỉnh giá bán theo mức thuế mới, in ấn và dán lại hàng loạt bảng giá cũng tốn thời gian, công sức.

Quan trọng hơn là việc giảm thuế VAT kéo dài qua mùa tết Nguyên đán 2024, giúp kích cầu, người tiêu dùng được hưởng lợi, tăng mua sắm trong mùa cao điểm nhất của năm.

Bà PHẠM THỊ HUÂN, Chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân:

Kỳ vọng tăng sức mua

Hiện nay, chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá bán ra DN phải giữ giá không dám tăng vì sức mua khá chậm. Sức mua của thị trường đang giảm khoảng 20% so với năm trước. Như trước đây, mỗi ngày DN bán ra thị trường tiêu thụ ổn định khoảng 1 triệu quả trứng/ngày nhưng hiện chỉ còn khoảng 800.000 quả trứng/ngày.

Sức mua giảm đến từ thu nhập của người tiêu dùng giảm, họ thắt chặt chi tiêu nên hàng hóa, dịch vụ lĩnh vực nào cũng bị ảnh hưởng. Vì thế, việc giảm thuế 2% VAT rất cần thiết với DN, giúp giảm thua lỗ do chi phí sản xuất tăng. Khi đó, DN được tiếp sức cầm cự giữ giá kích cầu tiêu dùng, vượt qua khó khăn để phục hồi. Q.HUY

NHÓM PV

Xem thêm: lmth.128437tsop-gnat-aig-irt-aig-euht-2-maig-neyuhc-nab-ioh-couq/nv.olp

“Quốc hội bàn chuyện giảm 2% thuế giá trị gia tăng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools