Ngày 24-5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và một số ngân hàng (NH) thương mại về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn và giảm lãi suất. Cuộc họp diễn ra ngay sau khi NH Nhà nước có quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 liên tiếp.
Không dám vay
Tại cuộc họp, Phó Thống đốc Thường trực NH Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tính đến ngày 16-5, dư nợ toàn nền kinh tế đạt trên 12,25 triệu tỉ đồng, tăng 2,72% so với cuối năm 2022 và tăng 9,32% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng này vẫn thấp so với cùng kỳ những năm trước. Nguyên nhân là do cầu tín dụng giảm, sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế khó khăn; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu thực tế thời gian qua có nhóm DN không dám vay vì sợ kinh doanh thua lỗ. Thậm chí có DN đủ điều kiện để vay vốn nhưng không muốn vay vì đơn hàng giảm, hàng tồn kho nhiều hoặc không sản xuất nên không có nhu cầu vay. Còn lại là nhóm DN không thể vay vốn, đây là nhóm đông nhất, đa số là DN nhỏ và vừa, không đủ điều kiện vay vốn… "Do đó hệ thống NH cần xem xét, nghiên cứu giải pháp phù hợp đối với nhóm DN này" - ông Phương đề xuất.
Tán đồng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chỉ ra một thực tế khác là "các NH cũng đang đỏ mắt tìm DN để cho vay". Trong bối cảnh cầu giảm, nhiều DN không bán được hàng nên chưa có nhu cầu vay vốn, do đó các giải pháp cần phải kiên nhẫn, nóng vội cũng không được.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh "làm gì cũng phải theo quy định, phải tuân thủ pháp luật" và đề nghị NH Nhà nước rà soát Thông tư 39/2016 của NH Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng chi nhánh NH nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư 39), về điều kiện tín dụng xem có nới được gì không, để gỡ cho DN. Về lâu dài trong Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế để có thể linh hoạt ứng biến trong công tác điều hành.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp để hạ lãi suất huy động, thiết lập mặt bằng lãi suất cho vay hợp lý. Ảnh: Trần Mạnh
Tham dự cuộc họp, lãnh đạo các NH thương mại lớn (Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank, MB, Techcombank) cam kết sẽ cùng tháo gỡ khó khăn cho DN với tinh thần "DN sống sót, NH mới sống sót".
Các NH cũng nhất trí tiếp tục giảm lãi suất huy động, tiến tới giảm mặt bằng lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào những lĩnh vực có khả năng tiếp cận vốn, các lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh… Tuy vậy, những NH này cũng đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản để triển khai giải ngân; hỗ trợ các ngành du lịch, dịch vụ, năng lượng tái tạo…
Tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh NH và DN "phải đi chung con đường" và đề nghị NH Nhà nước tiếp tục rà soát các quy định, thủ tục, nếu có vướng mắc thuộc về chủ quan cần tháo gỡ ngay để phục vụ tốt nhất nhu cầu vay vốn của DN và người dân, nhất là các DN vừa và nhỏ. Đồng thời, đánh giá kỹ lưỡng khả năng hấp thụ vốn của các nhóm DN; rà soát cơ chế chính sách để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định...
Về điều hành lãi suất, Phó Thủ tướng đề nghị hệ thống NH tiếp tục triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, hạ lãi suất huy động để thiết lập mặt bằng lãi suất cho vay hợp lý hỗ trợ DN tiếp cận vốn, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất - kinh doanh. "Phải thiết lập mặt bằng lãi suất huy động hợp lý thì lãi suất cho vay mới phù hợp. DN phát triển, NH mới phát triển" - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị NH Nhà nước và các bộ, ngành "phải phản ứng chính sách nhanh hơn"; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm theo đúng quy định của pháp luật.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết thời gian tới, NH Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống NH thương mại tiết giảm chi phí hoạt động để có thể tiếp tục hạ lãi suất, chia sẻ lợi nhuận với DN; rà soát, giảm các loại phí; tạo sự đồng bộ cho các NH; cơ cấu lại các khoản nợ... Đồng thời, sẽ sửa đổi một số điểm của Thông tư 39 theo hướng "cởi mở hơn nhưng không phải hạ chuẩn".
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Xây dựng, NH Nhà nước, Văn phòng Chính phủ... về tiến độ triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết hiện có khoảng 100 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (tại 36 địa phương) đã được cấp phép xây dựng, triển khai đầu tư xây dựng với tổng số 85.662 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 70.000 tỉ đồng. Có 7 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư (tại 4 địa phương) với nhu cầu vốn vay khoảng 4.130 tỉ đồng...
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, hiện vẫn còn vướng mắc về bố trí quỹ đất, quy hoạch... dẫn đến việc triển khai dự án nhà ở xã hội kéo dài thời gian. Vì vậy, một số DN đang chờ đợi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực với quy trình, thủ tục thông thoáng hơn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu trước mắt, các địa phương nhất là những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ... cần đẩy nhanh việc lập quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở những vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. NH Nhà nước và Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, đề xuất phương án, thời gian hỗ trợ lãi suất phù hợp cho các chủ đầu tư, người mua nhà đủ điều kiện vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỉ đồng.
Xem thêm: mth.46705501242503202-noh-yl-poh-taus-ial-gnab-tam-pal-teiht/et-hnik/nv.moc.dln