Ngày 24.5, báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Đấu thầu sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh cho hay về nội dung mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để quy định rõ ràng, cụ thể trong luật nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế.
Thảo luận sau đó, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội cho rằng các quy định về đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế trong dự thảo vẫn chưa rõ, chưa đủ căn cứ thực hiện, cần tiếp tục chỉnh lý. Dự thảo luật quy định cho phép bệnh viện lựa chọn nhà thầu cung cấp vật tư, hóa chất và nhà thầu trúng thầu sẽ cung cấp luôn thiết bị, vật tư để sử dụng hóa chất.
ĐB Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nhìn nhận quy định này thực chất là hình thức lựa chọn nhà thầu với trường hợp máy mượn, máy đặt trong bệnh viện. Tuy nhiên, những nội dung quy định tại dự thảo phức tạp và khó áp dụng trong thực tế. Bà Hà dẫn ví dụ, việc dự thảo luật quy định nhà thầu không chuyển giao quyền sở hữu mà chỉ chuyển giao quyền sử dụng là chưa rõ tính chất của quan hệ vì chuyển giao quyền sở hữu có thể là cho thuê, cho mượn trong khi thực tế là cho mượn. Từ đó, bà Hà đề xuất quy định rõ việc nhà thầu chuyển giao quyền sử dụng không thu tiền với thiết bị y tế cho các bệnh viện.
Một vấn đề khác cũng được nhiều ĐB quan tâm là chỉ định thầu trong mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế. ĐB Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho biết dự thảo luật quy định được chỉ định thầu với gói mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế để cấp cứu người bệnh theo quy định của luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tuy nhiên, theo ĐB Thu, trong luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi không thấy quy định vấn đề này. Do đó, bà Thu đề nghị thay thế cụm từ "cấp cứu người bệnh" thành "trong tình trạng khẩn, cấp bách". "Cũng cần quy định rõ hơn về trường hợp cấp bách trong y tế và cơ quan nào xác định trường hợp cấp bách", ĐB Thu nói.
ĐB Trần Thị Nhị Hà cũng băn khoăn với quy định cho phép chỉ định các gói thầu cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân. Quy định này rất cần thiết trong thực tế, tuy nhiên có một số thuật ngữ nội dung quy định chưa rõ về nội hàm, khái niệm thế nào là "gói thầu cần triển khai ngay", có thể dẫn đến nguy cơ áp dụng tùy tiện hình thức chỉ định thầu. Bà Hà cho biết cụm từ "cần triển khai ngay" đã được quy định tại luật Đấu thầu từ năm 2013 đã gây ra sự lúng túng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh.
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nói các quy định về đấu thầu, mua sắm trong lĩnh vực y tế đến nay đã cơ bản giải quyết được bất cập. Ông Dũng nhấn mạnh một số vướng mắc thời gian qua là do luật nhưng hầu hết vướng mắc chủ yếu phát sinh từ khâu tổ chức thực hiện hoặc bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản hướng dẫn. Tuy vậy, Bộ trưởng Dũng khẳng định sẽ nghiên cứu nội dung các ĐB nêu thêm tại phiên thảo luận để hoàn thiện các quy định liên quan lĩnh vực y tế.