Nhiều chuyên gia cho rằng đây là chủ trương có tính chất cởi bỏ những ràng buộc cơ học để Đà Lạt và vùng ven, vùng lân cận cùng phát triển.
Đà Lạt sẽ rộng gấp 4 lần
Mới đây, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã thống nhất phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2023 đến 2025 thực hiện sáp nhập huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt, hình thành một đơn vị hành chính mới.
Đà Lạt hiện nay có diện tích 396km2. Huyện Lạc Dương có diện tích lớn hơn, gấp 3 lần Đà Lạt hiện hữu, nhưng phần lớn diện tích là rừng, tỉ lệ đô thị hóa thấp. Lạc Dương nằm ở vị trí cao hơn Đà Lạt, có địa giới giáp với Khánh Hòa - Đắk Lắk.
Như vậy, khi sáp nhập Lạc Dương vào Đà Lạt, sẽ hình thành một Đà Lạt mới với địa giới hành chính mở rộng gấp 4 lần hiện hữu. Cả Đà Lạt và Lạc Dương đều cùng nằm trên cao nguyên Lâm Viên.
Theo các quy định hiện hành, Lạc Dương không phải là đơn vị hành chính cần phải sắp xếp cho phù hợp. Tuy nhiên, ở góc độ mở rộng vùng phát triển cũng như kết nối vùng, Tỉnh ủy Lâm Đồng nhìn nhận cần phải sáp nhập Lạc Dương vào Đà Lạt.
Việc này được nhìn nhận không cứng nhắc như dán hai mảnh ghép, mà là sự phối hợp các thế mạnh của hai địa phương cùng nằm trên cao nguyên Lâm Viên.
Hai vùng đất có sự tương đồng gần như tuyệt đối về khí hậu, thổ nhưỡng. Về kinh tế, Đà Lạt và Lạc Dương cùng đặt trọng tâm phát triển du lịch và nông nghiệp,…
Tiến sĩ Trương Bình Nguyên, trường Đại học Đà Lạt, cho rằng việc sáp nhập Lạc Dương vào Đà Lạt là ý tưởng lớn. Trong quá khứ, việc này từng được nhắc đến nhiều và được dư luận ủng hộ. Tuy nhiên ý tưởng này chưa được triển khai, có lẽ chưa đúng thời điểm.
“Dù ở góc nhìn nào cũng phải nhìn nhận Đà Lạt không chỉ là cái tên của người Đà Lạt, mà đã thành thương hiệu lớn về nông sản, du lịch của Việt Nam. Địa giới hành chính Đà Lạt mở rộng, có nghĩa nhiều người dân được hưởng lợi từ thương hiệu chung, chỉ dẫn địa lý nông sản, du lịch Đà Lạt”, tiến sĩ Nguyên cho biết.
Trong một trao đổi mới đây, ông Cil Proh - phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương - chia sẻ, địa phương không được nhắc đến nhiều trên bản đồ du lịch Việt Nam, nhưng đa số các điểm du lịch lớn, danh tiếng mọi người hay nhầm là của Đà Lạt đều nằm tại huyện Lạc Dương. Sự lân cận của Lạc Dương với Đà Lạt đã khiến nhiều người nhầm.
"Điều đó cho thấy Đà Lạt, Lạc Dương không có khoảng cách, và tương đồng nhiều yếu tố, một phần giá trị. Sự ngăn cách của địa giới hành chính do lịch sử tạo ra có thể được làm mềm đi hoặc gỡ bỏ để tạo nền cho sự phát triển trong thời gian tới”, theo ông Cil Proh.
Đà Lạt mở rộng: Thêm động lực cho kinh tế
Năm 2019, Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù dành riêng cho Đà Lạt và vùng phụ cận. Theo cơ chế này, Đà Lạt được nhiều “ưu ái” trong gọi vốn, vay vốn đầu tư. Ngoài ra, Đà Lạt còn được ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng để tạo nền tảng cho các ngành khác phát triển.
Để sâu sát trong tiến trình thúc đẩy đô thị Đà Lạt phát triển, một số quyền quan trọng trong đầu tư và tìm kiếm nguồn vốn được giao cho chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
Về định hướng mềm, mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất cho Đà Lạt xây dựng hồ sơ, đề án tham gia mạng lưới TP sáng tạo UNESCO lĩnh vực "âm nhạc".
Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004 với mục đích thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các TP được vinh danh quốc tế, với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
Đây là những kỳ vọng lớn của thành phố đã ấp ủ và đang thực hiện từ rất lâu thông qua nhiều dạng thức.
Định hướng này đang được Đà Lạt theo đuổi quyết liệt vì những tác động tích cực đến sự phát triển văn hóa - du lịch.
Trong tương lai khi UNESCO công nhận Đà Lạt là thành viên của mạng lưới đô thị sáng tạo UNESCO, Đà Lạt “mở rộng” cũng là thành viên của mạng lưới này. Về hình thức không thay đổi, nhưng về tính chất UNESCO có một thành viên lớn hơn, nhiều không gian văn hóa, nhiều mảng xanh so với chính nó tại thời điểm bắt đầu xây dựng hồ sơ.
Lâm Đồng sở hữu 3 di sản thế giới được UNESCO công nhận: di sản tư liệu "Mộc bản Triều Nguyễn" (năm 2009), di sản phi vật thể "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" (năm 2005) và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang (năm 2015).
Đà Lạt sở hữu di sản tư liệu "Mộc bản Triều Nguyễn", còn 2 di sản còn lại thuộc về hoặc có không gian chính là huyện Lạc Dương.
Ở góc nhìn của nhà đầu tư, ông Văn Tuấn Anh, giám đốc Khu du lịch Làng Cù Lần, cho biết: “Cách đây 12 năm, chúng tôi lên Lạc Dương đầu tư. Chúng tôi chọn Lạc Dương vì giá trị du lịch không khác Đà Lạt nhưng Lạc Dương có lợi thế về quỹ đất rộng.
Thú thực đó là lựa chọn cân não vì khi đó nhắc đến du lịch, du khách biết đến Đà Lạt, còn Lạc Dương là cái tên mới toanh trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Nói vậy để thấy, Đà Lạt là một thương hiệu đủ lớn để bảo hộ cho sự thành công trong đầu tư du lịch”.
Dưới góc nhìn của ông Tuấn Anh, mở rộng địa giới Đà Lạt là mở rộng vùng ảnh hưởng của thương hiệu du lịch Đà Lạt.
Ông nói thêm: “Nhà đầu tư hoàn toàn có thể thấy du lịch của Lâm Đồng đang phát triển theo mô hình vệ tinh. Tự các vệ tinh chọn cho mình một chức năng. Lạc Dương là vùng du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm thiên nhiên còn Đà Lạt hiện là trung tâm dịch vụ, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, lưu trú...
Đà Lạt đang bị dồn nén các chức năng. Trong tương lai, khi “tấm áo” Đà Lạt được choàng thêm cho Lạc Dương thì các chức năng đang bị nén ở Đà Lạt sẽ dịch chuyển sang Lạc Dương. Như vậy Đà Lạt có thêm khoảng trống cho những hoạt động du lịch phù hợp với địa thế trung tâm”.
Thúc đẩy kinh tế du lịch - dịch vụ cao nguyên Lâm Viên
Ông Nguyễn Nhật Vũ, phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Lâm Đồng (Dalat Tourist), nhìn nhận: "Từ rất lâu, vùng du lịch của Đà Lạt đã mở rộng ra Lạc Dương. Nhiều du khách không phát hiện ra điều này khi tham gia những tour du lịch trải nghiệm liên vùng.Như chúng tôi, thương hiệu là du lịch Dalat Tourist nhưng 1/3 sản phẩm của chúng tôi nằm ở huyện Lạc Dương. Điều này cho thấy, trong mảng du lịch, Đà Lạt hay Lạc Dương không quan trọng nữa.
Nhưng khi thương hiệu Đà Lạt được chia sẻ với Lạc Dương "danh chính ngôn thuận" thì nhà đầu tư sẽ tự tin hơn và cũng dễ dàng quảng bá sản phẩm du lịch.
Khi quảng bá du lịch, dùng thương hiệu Đà Lạt rõ ràng hiệu quả tiếp cận cao hơn rất nhiều. Phát triển Đà Lạt - Lạc Dương song hành, tương hỗ là cách hay để thúc đẩy kinh tế ở cao nguyên Lâm Viên".
Sáng ngày 26-5, báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm Để Đà Lạt mãi xanh tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Lâm Đồng, các chuyên gia, doanh nghiệp tại địa phương và TP.HCM.
Tại tọa đàm, khách mời sẽ bàn luận xoay quanh các vấn đề liên quan đến quy hoạch mới TP Đà Lạt, định hướng phát triển du lịch, nông nghiệp... trong tương lai.
Ngay trước thềm Quốc khánh, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất cho Đà Lạt xây dựng hồ sơ, đề án tham gia mạng lưới TP sáng tạo UNESCO lĩnh vực "âm nhạc".
Xem thêm: mth.2611222152503202-ut-uad-om-gnor-ioig-hnar-gnor-om-tal-ad/nv.ertiout