Trong thời gian gần đây, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 cùng các tàu hải cảnh, tàu cá Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhận được đề nghị của báo chí cho biết phản ứng của Việt Nam trước hành động trên của Trung Quốc.
Ngày 25-5, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định: "Tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982".
Bà Hằng cũng cho biết Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam đã "giao thiệp nhiều lần với phía Trung Quốc", đồng thời triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.
"Việt Nam yêu cầu các cơ quan liên quan phía Trung Quốc tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, chấm dứt ngay hoạt động xâm phạm, rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giữ gìn hòa bình, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, đóng góp vào việc phát triển quan hệ hai nước", đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Hôm 17-5, trong cuộc họp các quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc về DOC tại tỉnh Quảng Ninh, quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Vũ Hồ đã đề nghị các nước phát huy "nói đi đôi với làm" trên Biển Đông.
Theo ông, các nước cần biến các cam kết chính trị thành các hành động cụ thể, phù hợp trên thực địa. Trưởng đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh cần lấy luật pháp quốc tế và UNCLOS làm "kim chỉ nam" cho các hoạt động trên Biển Đông.
Bộ Ngoại giao ngày 18-5 một lần nữa khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.