Ngày 25-5, Ngân hàng (NH) Nhà nước có cuộc họp với lãnh đạo cấp cao 26 NH thương mại để bàn về lãi suất. Tại cuộc họp, các NH thương mại đồng thuận từ ngày 29-5, giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu nhằm hỗ trợ tài chính cho khách hàng trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh có dấu hiệu chậm lại.
Đúng thời điểm
Trước đó, ngày 23-5, NH Nhà nước chính thức hạ lãi suất điều hành và đưa trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng xuống 5%/năm. Tuy nhiên, thực tế, nhiều NH thương mại đang huy động vốn ở mức lãi suất thấp hơn nhiều. Đơn cử, tại Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng là 4,1%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 4,6%/năm. Các mức lãi suất này giảm 0,5 điểm % so với trước đó. Với kỳ hạn dài, BIDV áp dụng lãi suất 6,8%/năm cho 12 tháng trở lên, giảm 0,4 điểm % so với trước.
Nếu lãi suất cho vay tiếp tục giảm và điều kiện tiếp cận vốn dễ dàng hơn, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh sẽ được hỗ trợ rất lớn .Ảnh: TẤN THẠNH
Tính từ giữa tháng 3-2023 tới nay, NH Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất điều hành. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn và lạm phát được kiểm soát, thanh khoản hệ thống được bảo đảm, NH Nhà nước quyết định tiếp tục giảm lãi suất điều hành nhằm giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Cũng theo NH Nhà nước, lãi suất cho vay bình quân đã giảm 0,65% so với đầu năm 2022, còn 9,3%/năm. Tuy vậy, người vay cho rằng mức lãi suất này còn cao và kiến nghị NH giảm thêm.
Ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), nhìn nhận NH Nhà nước quyết định giảm lãi suất lần thứ 3 là đúng đắn, đúng thời điểm. Vietcombank sẽ khẩn trương triển khai giảm lãi suất để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, người dân cũng như hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế nói chung.
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, có khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ ngừng tăng lãi suất và đảo chiều kể từ đầu năm 2024. Trong bối cảnh này, Việt Nam đã đi trước một bước khi có 3 lần giảm lãi suất liên tiếp, từ đây tạo kỳ vọng lãi suất điều hành giảm về 4%/năm vào năm 2025.
Mặt khác, việc hạ trần lãi suất tiền gửi từ dưới 6 tháng xuống còn 5%/năm có thể kích thích người dân chuyển sang gửi tiền kỳ hạn dài, giảm áp lực huy động vốn trung và dài hạn cho các NH thương mại khi tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn sẽ giảm tiếp từ 34% xuống 30% từ tháng 10-2023.
Giảm lãi vẫn khó vay?
Tại cuộc họp mới đây giữa Phó Thủ tướng Lê Minh Khái với các bộ, ngành và một số NH thương mại về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn và giảm lãi suất, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ thực trạng cầu tín dụng giảm, DN còn gặp khó khăn trong hấp thụ vốn do chưa đáp ứng điều kiện vay hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều NH gần đây tung gói tín dụng lãi suất thấp cùng các chương trình khuyến mãi, ưu đãi đi kèm. Lãi suất cho vay bình quân VNĐ phát sinh mới thời điểm này khoảng 9,3%/năm, giảm 0,65 điểm % so với cuối năm 2022. Tuy vậy, theo số liệu của NH Nhà nước, tính đến ngày 16-5, tín dụng chỉ tăng 2,72%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định tăng trưởng tín dụng không chỉ phụ thuộc vào lãi suất mà còn tùy thuộc mức độ phục hồi của nền kinh tế và khả năng chịu rủi ro của khách hàng.
"Các NH thương mại không hạ chuẩn tín dụng, nợ xấu tăng nên cần có thời gian để giảm lãi vay và thúc đẩy cầu tín dụng. NH nào có bộ đệm vốn lớn, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn an toàn sẽ mạnh dạn giảm lãi suất, đẩy mạnh tăng tín dụng. Ngược lại, những NH có quy mô nhỏ, nợ xấu cao sẽ dè dặt hơn trong giảm lãi suất cho vay" - ông Minh phân tích.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - NH, cho rằng đặt trong bối cảnh các NH trung ương trên thế giới còn tiếp tục tăng lãi suất hoặc duy trì ở mức cao nhằm kiểm soát lạm phát, nếu lãi suất tại Việt Nam tiếp tục giảm mạnh sẽ tăng áp lực lên tỉ giá, hàng hóa nhập khẩu tăng giá, kéo theo nguy cơ tăng lạm phát và thu hút đầu tư nước ngoài cũng bị ảnh hưởng.
"Chính sách tiền tệ cần linh hoạt để có thể kiểm soát được lạm phát, giữ ổn định tỉ giá, giữ chân được tiền gửi tại NH, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo sự ổn định trên toàn thị trường và kiểm soát rủi ro tốt hơn" - TS Nguyễn Trí Hiếu góp ý.
Tổng giám đốc một công ty bất động sản ở tỉnh Bình Dương cho rằng vấn đề lãi suất thời điểm này chỉ là một rào cản đối với hoạt động của DN, vướng mắc lớn hơn là điều kiện tiếp cận những gói vay mới. Với khách hàng cá nhân, điều kiện vay là phải có tài sản bảo đảm hoặc phải đáp ứng thủ tục vay vốn khắt khe hơn trước. Tuy nhiên, lúc này tỉ lệ thất nghiệp cao, tài sản bảo đảm không còn nên dù lãi suất giảm, khách hàng cá nhân cũng khó vay mới. Về phía DN, do vướng rào cản pháp lý nên rất khó thực hiện các bước để đạt điều kiện vay vốn. Thị trường chờ đợi nhiều hơn ở những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với lĩnh vực bất động sản và trái phiếu DN, từ đó giải phóng dòng vốn bị tắc nghẽn.
Giảm lãi vay vẫn chưa đủ
Ông Trịnh Viết Hoàng Minh, đại diện Công ty Chứng khoán ACB, nhìn nhận giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sản xuất và tiêu dùng là 2 lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế nhưng đang đối mặt với sự suy giảm. Vì vậy, nhiều khách hàng cá nhân lẫn DN đều không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm hoặc mở rộng sản xuất.
"Ngành sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... nên có thể phải đợi sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng của những đối tác này. Ngành sản xuất và nhu cầu tiêu dùng nội địa phục hồi mới là điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay" - ông Hoàng Minh lập luận.
Xem thêm: mth.95355721252503202-yav-ohc-taus-ial-ah-pas/et-hnik/nv.moc.dln