UBND cấp xã có trách nhiệm theo dõi và kiểm tra việc bán hàng
Sáng 26/5, Quốc hội thảo một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Tại Điều 47 của dự thảo Luật có quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong hoạt động bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên.
Cụ thể, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, trước khi bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại địa điểm không phải là địa điểm bán lẻ, giới thiệu dịch vụ thường xuyên với tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa bán cao hơn 10 triệu đồng hoặc có ít nhất 01 sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có giá trị cao hơn 100.000 đồng, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thông báo đến UBND cấp xã tại nơi tổ chức trước khi thực hiện.
Nội dung thông báo bao gồm: tên, địa chỉ liên hệ, địa điểm dự kiến tổ chức bán hàng, nội dung, phương thức, giá bán và loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có liên quan.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải niêm yết công khai thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh và sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm tổ chức bán hàng. Cho phép người tiêu dùng trả lại sản phẩm, hàng hóa trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận hàng với điều kiện sản phẩm, hàng hóa còn nguyên bao bì, nhãn hàng hóa, tem (nếu có), còn hạn sử dụng…
Về phía UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận thông báo, theo dõi và kiểm tra việc bán hàng của tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn)
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) thể hiện sự tán thành việc quy định của UBND cấp xã quản lý các trường hợp bán hàng lưu động khi trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ lừa đảo ở vùng nông thôn núp bóng bán hàng lưu động.
Tuy nhiên đại biểu Thuỷ cho rằng nếu quy định mức tiền 100.000 đồng thì có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của Luật trong các năm tới.
"Sau 10 năm nữa mức tiền 100.000 đồng có thể khác rất nhiều so với hiện nay. Do đó kiến nghị mức tiền cụ thể nên giao Chính phủ hướng dẫn để phù hợp với thực tế", đại biểu Thuỷ nêu ý kiến.
Cho ý kiến thêm về dự thảo Luật, đại biểu đoàn Bắc Kạn cho biết đối với việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn tại Tòa án, Điều 70 dự thảo quy định: Một trong những điều kiện để được giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi giá trị giao dịch phải dưới 100 triệu đồng, tức là từ 101 triệu đồng trở lên thì sẽ không được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án.
Đại biểu Thuỷ cho rằng điều này không phù hợp với thực tế và chưa đồng bộ trong cách tiếp cận của luật. Bởi trong lĩnh vực tư pháp, tính chất phức tạp của một vụ án không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp lớn hay nhỏ mà phụ thuộc vào tình tiết chứng cứ của vụ án có rõ ràng, đầy đủ hay không.
Phải hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng khi hết thời hạn lưu trữ
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP Hồ Chí Minh) góp ý về quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh phải hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng khi hết thời hạn lưu trữ. Theo đó, nữ đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thời hạn lưu trữ hoặc dẫn chiếu quy định pháp luật khác có liên quan đến thời hạn lưu trữ này để thống nhất trong việc áp dụng pháp luật và tránh phát sinh khiếu nại.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP Hồ Chí Minh)
Bên cạnh đó, đối với quy định về công bố, công khai thông tin cảnh báo về danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng về hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng bị xử lý tại Điều 40, đại biểu cho biết, dự thảo Luật mới chỉ quy định về việc công bố thông tin mà không quy định về việc gỡ bỏ thông tin đã công bố là chưa phù hợp. Theo đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh bị xử lý sau vi phạm, nếu các tổ chức, cá nhân đó nghiêm túc khắc phục thì cũng cần có quy định trong luật về việc gỡ bỏ thông tin đã công bố.
Đưa tin sai sự thật, người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm, bồi thường
Trước đó, theo báo cáo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung một khoản tại Điều 5 quy định về nghĩa vụ theo hướng người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy
UBTVQH thấy rằng ý kiến ĐBQH là xác đáng. Việc bổ sung quy định này sẽ góp phần phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và giúp người tiêu dùng thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua, bán và sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung khoản 5 Điều 5 về nghĩa vụ của người tiêu dùng, cụ thể: "Bảo đảm cung cấp chính xác, đầy đủ về các nội dung thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ theo quy định của pháp luật". Đồng thời, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.71403220162503202-ax-pac-dnbu-iov-oab-gnoht-iahp-gnod-uul-gnah-nab/et-hnik/nv.vtv