Theo bà Lan Anh, hiện nay, đối tượng nâng cao kỹ năng tài chính mà ngành ngân hàng đang hướng tới là toàn bộ người dân, trong đó đặc biệt chú trọng đến nhóm người ít sử dụng, chưa sử dụng các dịch vụ tài chính, tập trung hơn ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc các đối tượng là phụ nữ, và giới trẻ.
Giới trẻ am hiểu, thị trường tài chính phát triển
“Người trẻ Việt Nam là đối tượng mà Ngân hàng Nhà nước đang muốn hướng đến để tập trung nâng cao hiểu biết, có kỹ năng tài chính tốt.
Nhìn qua nước trong khu vực, gần nhất là Singapore, giới trẻ họ rất am hiểu về kỹ năng về tài chính. Điều đó rất tốt vì nếu hiểu về quản lý tài chính, quản lý chi tiêu thì thị trường tài chính sẽ rất phát triển”, bà Lan Anh nói thêm.
Để thực hiện các mục tiêu trên, ngoài kênh tuyên truyền chính thức trên báo chí, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại và các đơn vị cung cấp các dịch vụ tài chính thường xuyên có thông tin, đưa ra cảnh báo làm sao ngoài tiêu tiền, người sử dụng dịch vụ hiểu về tài chính thông minh.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trong mục tiêu thời gian tới, cơ quan này sẽ hướng tới cung cấp cho người dân những thông điệp dễ ghi nhớ, nhớ hiểu, dễ thực hiện để ai cũng có thể xây dựng cho bản thân kỹ năng tài chính thông minh, bảo vệ bản thân.
Đến nay Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai tổ chức những chương trình giáo dục tài chính đa dạng, phong phú trên các kênh truyền hình như chương trình khá được yêu thích là “Tiền khéo tiền khôn”.
Trong thời gian tới, hoạt động truyền thông sẽ hướng nhiều hơn tới nhóm học sinh, sinh viên từ cấp Đại học đến các đối tượng nhỏ tuổi hơn là học sinh THCS, THPT.
MoMo tiếp tục đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ
Đồng hành cũng sự kiện Ngày không tiền mặt từ khi triển khai đến nay, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập ví điện tử MoMo, cho biết MoMo luôn tích cực hưởng ứng và đồng hành cùng chương trình, góp phần tạo ra nhiều giá trị và ảnh hưởng thiết thực, thúc đẩy xu hướng thanh toán không tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến và đi vào đời sống của người dân Việt Nam.
“Nổi bật nhất là chương trình “Ủng hộ nông sản Việt” phối hợp với báo Tuổi Trẻ và Saigon Co.op ngay trong năm đầu tiên đồng hành cùng “Ngày không tiền mặt” năm 2019.
Chương trình tạo ra nhiều tác động xã hội lớn khi vừa thúc đẩy người dùng thanh toán không tiền mặt, vừa góp phần đưa nông sản Việt đến tay nhiều người tiêu dùng trong nước, vừa góp phần hỗ trợ con em nông dân đến trường”, ông Diệp cho biết.
Hưởng ứng Ngày không tiền mặt năm 2023, ông Diệp cho biết MoMo tiếp tục đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ tham gia chương trình với chủ đề “MoMo - Nền tảng tài chính thông minh cho thế hệ không tiền mặt”.
“MoMo hướng đến thế hệ những người trẻ hiện đại, nhanh nhạy với công nghệ, có nhu cầu cao về mua sắm, ăn uống, giải trí, đi lại… và nhất là ngày càng quan tâm đến tài chính cá nhân.
Cung cấp nền tảng định hướng “financial hub” với đa dạng các sản phẩm tài chính số tiên phong, MoMo giúp giới trẻ không chỉ tiếp cận xu hướng của thế giới mà còn dễ dàng quản lý tài chính, chi tiêu thông minh hơn, hình thành lối sống sống văn minh và hiện đại”, ông Diệp chia sẻ.
Sáng 26-5, họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng “Ngày không tiền mặt năm 2023” được Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức tại TP.HCM.