Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định viện trợ khẩn cấp 6 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent để cứu các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum ở Việt Nam. Theo thông báo của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), số thuốc được lấy từ kho của WHO tại Thuỵ Sĩ.
Thuỵ Sĩ xưa nay nổi tiếng là quốc gia luôn đi theo con đường tự lực cánh sinh trong mọi chính sách. Là nước nhỏ không giáp biển và phụ thuộc vào nhập khẩu, Thuỵ Sĩ thực hiện các biện pháp dự trữ từ thời Trung Cổ để đảm bảo đủ lương thực, thuốc men trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, mãi đến Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Thuỵ Sĩ mới chính thức thành lập một cơ quan chịu trách nhiệm thu mua và dự trữ.
Với kinh nghiệm của mình trong việc bảo vệ tài sản cho thế giới cũng như đường lối trung lập nổi tiếng, Thụy Sĩ cũng là nơi được các tổ chức quốc tế gửi gắm những thứ quan trọng nhất, từ vàng, tiền tới thuốc men. Đó là lý do những thứ siêu hiếm vẫn có thể được tìm thấy tại Thụy Sĩ.
Sau khi những mối đe doạ thời chiến lùi xa, Thuỵ Sĩ tập trung vào các vấn đề khiến thị trường gián đoạn. Chỉ cần các quốc gia xuất khẩu hàng hoá cho Thuỵ Sĩ gặp trục trặc về kỹ thuật, logistic, mất mùa… nguồn cung các mặt hàng quan trọng có thể bị suy giảm. Chẳng hạn như năm 2017, Thuỵ Sĩ đã phải huy động hết kho dự trữ để đối phó với tình trạng thiếu hụt một loại kháng sinh quan trọng chống nhiễm trùng.
Cho đến ngày nay, hàng nghìn tấn hàng hóa được cất giữ trong các nhà kho trên khắp Thụy Sĩ và đang chờ đợi được sử dụng. Nổi bật nhất phải kể đến kho thuốc men và vật tư y tế khổng lồ. Nếu Thuỵ Sĩ bị phong toả với thế giới bên ngoài, chính phủ đảm bảo nguồn cung cấp thuốc đầy đủ cho hệ thống chăm sóc sức khoẻ của nước này.
Kho thuốc của Thuỵ Sĩ có mọi thứ từ thuốc kháng sinh, chống cảm cúm, thuốc giảm đau, insulin và máu. 103 triệu thiết bị bảo hộ cá nhân được dự trữ cùng với nguồn cung vaccine mới đều đặn.
Ngoài thuốc men, Thuỵ Sĩ rất chú trọng đến lương thực, vì nước này phải nhập khẩu một nửa số lương thực tiêu thụ. Theo trang Swissinfo, 15.000 tấn cà phê, 69.000 tấn đường, 334.500 tấn lúa mì và 14.000 tấn gạo luôn sẵn sàng để cung cấp cho người dân khi cần.
Bên cạnh đó, quốc gia Trung Âu này dự trữ đủ nhiên liệu, năng lượng, dầu diesel cho hơn 4 tháng. Ngoài vàng đen, Thụy Sĩ cũng dự trữ 600 tấn uranium, mặc dù con số này dự kiến sẽ giảm trong những năm tới khi các nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động. Thuỵ Sĩ còn dự trữ đủ nhiên liệu cho máy bay trên cả nước hoạt động trong 3 tháng.
Kho dự dữ quốc gia của Thuỵ Sĩ là ví dụ cho thấy nước này chuẩn bị vô cùng kỹ càng cho những đợt khủng hoảng. Với kho dự trữ này, Thuỵ Sĩ đang được cho là có sự chuẩn bị tốt hơn so với hầu hết các quốc gia khác.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Thuỵ Sĩ đang đối mặt với tình trạng khan hiếm thuốc, chủ yếu là các loại như thuốc giảm đau paracetamol và ibuprofen, đặc biệt là ở dạng xi-rô dành cho trẻ em.
Tổng hợp