Ngày 26-5, hội nghị kết nối thông tin thị trường xuất khẩu với chủ đề "Nông sản Việt Nam vươn xa" diễn ra tại TP.HCM, với nhiều câu chuyện xuất khẩu để tìm ra giải pháp, hướng đến xuất khẩu xanh.
Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Công ty Vina T&T, chia sẻ câu chuyện tìm kiếm thị trường và xây dựng cho sản phẩm Việt bắt đầu với nhiều thách thức.
Năm 2017, ông Tùng mang trái dừa đi chào hàng ở Mỹ, đối tác không ngần ngại "chê" dừa Việt Nam nhạt, không ngọt.
"Họ nói thẳng với tôi bỏ ý nghĩ mang dừa Việt sang Mỹ, vì thị trường này có dừa Thái Lan là "đỉnh" rồi. Trong khi dừa Bến Tre cũng rất ngọt, ngọt thanh, chất lượng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường quốc tế là dư sức. Hơn nữa đây là trái cây sạch tự nhiên, thời gian bảo quản đến 80 ngày. Tôi băn khoăn tìm hiểu mới biết nhiều doanh nghiệp Việt mang trái dừa đi cạnh tranh bằng giá, chứ không phải trái dừa ngon nhất Việt Nam", ông Tùng kể lại.
Sau 1 container chào hàng miễn phí cho đối tác kiểu "được ăn cả, ngã về không", đúng 1 tuần sau trái dừa Việt Nam được thị trường Mỹ chấp nhận đặt hàng. Hiện nay, mỗi tháng ông Tùng xuất khẩu khoảng 40 container dừa tươi Bến Tre sang Mỹ. Thị phần dừa Việt và dừa Thái tương đương nhau ở xứ sở cờ hoa.
Ông Tùng rút ra được bài học xuất khẩu từ trái dừa cũng như các sản phẩm khác: "Việc chào hàng bằng sản phẩm chất lượng thấp, giá rẻ không giúp phát triển thị trường cũng như thương hiệu.
Trái ngược với cách làm của Mỹ, New Zealand để tạo thương hiệu cho trái táo, cherry. Họ chọn trái cây thượng hạng xuất khẩu, loại 2 tiêu thụ trong nước, dưới nữa mới dành cho chế biến. Nên tôi nhấn mạnh chất lượng sản phẩm để tạo thương hiệu, để có thị trường xuất khẩu là cốt lõi, là căn bản nhất".
Cùng với đó, rất nhiều câu chuyện của các doanh nghiệp về hành trình xuất khẩu và xây dựng thương hiệu, như quả dừa tươi sang Anh, bưởi sang thị trường Đức, xuất thanh long bằng đường hàng không sang thị trường Hà Lan… thắng lợi, do chất lượng của trái cây quyết định.
Kinh doanh xuyên biên giới cần niềm tin chất lượng
Ông Huỳnh Kim Tước, đồng chủ tịch Tiểu bang kinh tế số và công nghệ Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), kể câu chuyện hàng bán trên Amazon ở Mỹ:
"Amazon về Việt Nam chọn hàng và gửi qua Mỹ, tại Mỹ sẽ có một kho. Tại sao mình không làm vậy? Đấy là cách tác chiến thực tế. Tức là các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang các thị trường phải có kho hàng ở đó, để kiểm tra hàng hóa.
Để khi chuyển hàng cho khách, xuất khẩu theo hướng xuyên biên giới đạt chất lượng. Kinh doanh xuyên biên giới cần niềm tin chất lượng, có như vậy mới vào được các tiểu bang của Mỹ, Canada và các nước châu Âu".
TTO - Chính sách pháp lý xuất khẩu nông sản, trái cây sang Trung Quốc liên tục đổi mới, nghiêm ngặt hơn với Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan nước bạn.