"Báo cáo tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp giai đoạn 2018 - 2021" được ông Phạm Như Nghệ, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục vào Đào tạo), công bố tại diễn đàn "Phát triển hợp tác nhà trường và doanh nghiệp" sáng 26-5.
"Khi đánh giá một cơ sở giáo dục đại học có nhiều tiêu chí khác nhau, trong đó có tiêu chí rất quan trọng là tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Không thể nói trường đại học có uy tín mà tỉ lệ sinh viên có việc làm thấp", ông Nghệ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phạm Như Nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu bắt buộc các trường phải báo cáo kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp 12 tháng. Đây là một trong các tiêu chí để các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp 12 tháng dưới 80% thì những ngành đó các trường không được phép tăng chỉ tiêu.
Khi xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, tiêu chí bắt buộc trong thành phần hội đồng xây dựng, thẩm định bắt buộc phải có đại diện doanh nghiệp; khuyến khích các trường mời chuyên gia giỏi từ doanh nghiệp tham gia giảng dạy, đánh giá sinh viên…
Nhiều ngành "hot" tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm thấp
Khảo sát về tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp giai đoạn năm 2018-2021 cho thấy một số lĩnh vực đào tạo được cho là "ngành hot" nhiều năm nay như: báo chí, du lịch, khách sạn, thú y, kiến trúc, kinh doanh và quản lý... nhưng không nằm trong số tỉ lệ sinh viên có việc làm cao nhất.
Trong khi một số lĩnh vực ít người học: nông, lâm nghiệp và thủy sản; môi trường và bảo vệ môi trường... lại có tỉ lệ sinh viên có việc làm rất cao. Bên cạnh đó, lĩnh vực nghệ thuật luôn đứng tốp đầu tỉ lệ sinh viên có việc làm.
Đáng chú ý, lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên nhiều năm luôn nằm tốp cuối các ngành tỉ lệ sinh viên có việc làm thấp nhất.
Ông Nghệ cho biết qua khảo sát, tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi đào tạo vẫn tồn tại, ở một số ngành tỉ lệ rất cao. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên từ hai phía: đào tạo và thị trường lao động.
Ở phía đào tạo chất lượng của giáo dục đại học còn khiêm tốn, nhiều khối ngành sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu đầu ra, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Nhiều kỹ năng doanh nghiệp cần sinh viên chưa đáp ứng được.
Việc hợp tác giữa các trường đại học với doanh nghiệp mặc dù số lượng không nhỏ nhưng chất lượng và hiệu quả còn rất hạn chế. Sự hợp tác xây dựng chương trình đào tạo giữa trường đại học với doanh nghiệp cũng hạn chế.
Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, thị trường lao động còn nhiều hạn chế. Số vị trí việc làm mới tạo ra hằng năm thường thấp hơn số sinh viên tốt nghiệp đại học. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sinh viên một số ngành ra trường tìm việc không dễ.
Liên kết đại học - doanh nghiệp không dừng lại ở chuyện tạo việc làm
Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS Mai Thanh Phong, hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa TP.HCM, cho hay trường rất coi trọng liên kết đại học - doanh nghiệp. Mạng lưới đối tác công nghiệp của trường gồm khoảng 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước, hoạt động trong nhiều lĩnh vực.
Nhà trường đã và đang nỗ lực tìm kiếm, xây dựng và triển khai nhiều hợp tác sâu, rộng và tích cực, hiệu quả với các doanh nghiệp.
"Hoạt động liên kết với doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc hướng nghiệp và tuyển dụng mà mở rộng các hợp tác nghiên cứu phát triển, tư vấn, chuyển giao công nghệ, đào tạo nâng cao nghiệp vụ nghề nghiệp, đồng hành cùng các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của cán bộ và sinh viên", ông Phong cho biết thêm.
Diễn đàn "Phát triển hợp tác nhà trường và doanh nghiệp" do Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam phối hợp với Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức. Sự kiện nằm trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills).
Sinh viên Trường đại học Văn Lang được cấp visa đi thực tập, hỗ trợ nơi ăn ở và làm việc có lương tại Nhật Bản.