Ngày 26-5, hội nghị kết nối thông tin thị trường chủ đề "Nông sản Việt vươn xa" do UBND TP HCM và Bộ Công Thương chủ trì, Sở Công Thương TP HCM phối hợp Cục Xúc tiến thương mại tổ chức, đã diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC).
Ông Huỳnh Kim Tước, Đồng chủ tịch Tiểu ban kinh tế số và công nghệ, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), cho biết Việt Nam thuộc tốp 20 thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới. Trên nền tảng kinh doanh xuyên biên giới, Việt Nam cũng thuộc tốp những nước dẫn đầu và đang tiếp tục tăng trưởng.
Đại diện AmCham dẫn thông tin do Amazon (Mỹ) công bố, năm 2022 Amazon tăng hơn 80% số đối tác bán hàng Việt Nam trên nền tảng của họ, trong đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, Amazon không phải là cá biệt bởi có những công ty công nghệ khác cũng tăng trưởng tốt như vậy, thậm chí là tăng trưởng 3 con số.
Các khách mời là chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý thảo luận về kết nối thông tin thị trường xuất khẩu tại hội nghị ngày 26-5
"Những thông tin hiếm hoi công bố cho thấy Việt Nam nên đi theo hướng kinh tế số, công nghệ số. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu triệu USD thông qua chợ online cho thấy cơ hội không chỉ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mà các doanh nghiệp lớn cũng có thể tham gia" - ông Tước nêu.
Sắp tới, AmCham sẽ cùng Sở Công Thương TP HCM tổ chức các buổi huấn luyện, đào tạo, tập huấn cụ thể về thương mại điện tử, "nắm tay" doanh nghiệp đi từng bước để sản phẩm đạt được chuẩn quốc tế.
Cũng nói về cơ hội xuất khẩu ra thế giới, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng xuất khẩu xanh là yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho phát triển nông nghiệp hiện nay là duy trì được sức sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua tăng giá trị, khối lượng xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu những mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh, khẳng định được thương hiệu “Nông sản Việt” trên thị trường thế giới.
Gần đây nhất, sầu riêng Việt Nam được cấp phép xuất khẩu vào Trung Quốc. Đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam phản ánh việc sầu riêng Việt Nam được cấp phép xuất khẩu vào Trung Quốc, không phải được người tiêu dùng Trung Quốc mà là các doanh nghiệp Thái Lan quan tâm nhất. Lý do là thị trường Trung Quốc nhập hơn 4 tỉ USD trái sầu riêng, 2/3, thậm chí là ¾ trong đó là từ Thái Lan.
"2 tháng sau khi lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc, chúng ta đã xuất được 369 triệu USD. Thái Lan chuyển hướng mạnh mẽ là truyền thông không sản xuất theo số lượng mà theo chất lượng để người tiêu dùng Trung Quốc tin rằng sầu riêng Thái tốt hơn sầu riêng Việt Nam" – ông Tùng dẫn chứng cách Thái Lan xây dựng thương hiệu trái sầu riêng.
"Hành trình tìm kiếm thị trường và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt luôn nhiều thách thức. Trong đó, chất lượng sản phẩm là yếu tố cốt lõi, căn bản nhất" - ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, đúc kết kinh nghiệm.
Xem thêm: mth.1782136162503202-enilno-ohc-auq-dsu-ueirt-gnah-uahk-taux-teiv-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.moc.dln