Đây là thống nhất chung của các diễn giả đưa ra tại tọa đàm "Để Đà Lạt mãi xanh” do báo Tuổi Trẻ tổ chức ở Swiss Bel Resort & Golf (Đà Lạt) sáng 26-5.
Đô thị di sản, đô thị xanh
Định hướng chung của tỉnh Lâm Đồng trong vấn đề mở rộng Đà Lạt về hướng Cầu Đất và sáp nhập thêm Lạc Dương (giai đoạn 2023 - 2025), cũng như quy hoạch chung Đà Lạt tầm nhìn đến năm 2045 là vấn đề không chỉ người Đà Lạt quan tâm.
Nhà báo Vũ Bình (báo Tuổi Trẻ) nhìn nhận: “Ở góc độ đo đếm dư luận, tôi nhìn nhận quy hoạch Đà Lạt không chỉ người Đà Lạt quan tâm. Ở TP.HCM, hay nhiều tỉnh thành khác người ta luôn quan tâm vùng đất này. Có lẽ Đà Lạt luôn là ước mong, là vùng đất họ nghĩ đến mỗi khi cần một chút nghỉ ngơi. Hoặc đơn giản hơn, họ yêu Đà Lạt như họ quý một người bạn tốt".
Để rõ thêm về tầm nhìn của Chính phủ và tỉnh Lâm Đồng trong quy hoạch Đà Lạt, ông Bùi Quang Sơn - phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng - cho biết: “Mở rộng Đà Lạt là đầu bài quan trọng và bài giải chúng tôi đang thực hiện. Dù bài giải như thế nào cũng phải xoay quanh định hướng: đô thị di sản, đô thị xanh và lấy văn hóa bản địa làm nền tảng.
Chính phủ cho phép bổ sung thêm tính chất “thành phố Đà Lạt là đô thị phát triển du lịch quốc gia và đô thị có đặc trưng về di sản” và mở rộng tính chất trung tâm văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao và giải trí từ “cấp vùng” lên thành “cấp vùng và cấp quốc gia”. Cho thấy vị thế mới của Đà Lạt trong hệ thống đô thị Việt Nam”.
Theo ông Sơn, về không gian đô thị, nhiệm vụ điều chỉnh lần này đã đặt ra quan điểm mở rộng phạm vi không gian đô thị thành phố Đà Lạt sang các khu vực lân cận và các đô thị vệ tinh theo hướng nghiên cứu đề xuất các ý tưởng khoa học, hiện đại tạo sự đột phá đối với việc phát triển mở rộng phạm vi không gian đô thị.
Cũng như chuyển dần các khu sản xuất nông nghiệp thuần túy, các khu sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp sang các khu sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch, dịch vụ và một số khu chức năng đô thị có giá trị sử dụng rất hiệu quả; dịch vụ du lịch và nông nghiệp có sự gắn bó chặt chẽ, hài hòa về định hướng và giải pháp.
Đồng thời còn giữ gìn và nâng cao bản sắc không gian kiến trúc cảnh quan đặc biệt là hệ thống rừng, cảnh quan sông, suối, ao hồ, di sản kiến trúc; thích ứng biến đổi khí hậu, ngập úng; đồng thời phát triển đồng bộ hạ tầng theo hướng xanh, thông minh, bền vững.
Cơ hội cho du lịch chất lượng cao
Kiến trúc sư Trần Đức Lộc (nguyên trưởng phòng quy hoạch - kiến trúc, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng) cho rằng mở rộng Đà Lạt, sáp nhập với Lạc Dương có thể là câu chuyện ngày mai cũng có thể rất lâu sau này. Nhưng đó là vấn đề hành chính.
Còn trong quy hoạch, Đà Lạt không là TP Đà Lạt. Đà Lạt là cả vùng cao nguyên Langbiang rộng lớn, trong đó có Lạc Dương. Đà Lạt là vùng chuyển tiếp quan trọng của nhiều vệ tinh xung quanh. Tự thân Đà Lạt chưa bao giờ là đủ.
Cho nên nói về Đà Lạt, chúng ta có thể quên địa giới hành chính để có thể nhìn rộng ra vùng Langbiang mênh mông, tài nguyên khí hậu, đất đai, văn hóa bản địa còn dồi dào hơn cả Đà Lạt.
Bà Dương Thị Hiền, phó phòng nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng), cho biết: “Ai cũng nhìn nhận Đà Lạt hiện hữu đang quá tải, tắc nghẽn bởi chính nó vừa mang toàn bộ chức năng của một đô thị vừa mang chức năng của vùng du lịch.
Tỉnh Lâm Đồng không còn định hướng phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, mà định hướng phát triển đô thị du lịch.
Liên kết vùng giữa Đà Lạt, Lạc Dương là tất yếu. Trong tương lai, Lạc Dương có Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng và hiện nay có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang. Với những tài nguyên này, Đà Lạt mở rộng của tương lai tự tin phát triển du lịch chất lượng cao cùng với hạ tầng mới, đồng bộ.
Kiến trúc sư Trương Nam Thuận (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho rằng quy hoạch định hướng xanh là phải xanh thật. Nhiều năm qua, nhiều đô thị nhắc đến yếu tố xanh nhưng thực tế thì không có và còn na ná nhau do không tích hợp yếu tố văn hóa. Đa số sử dụng "xanh” làm câu chuyện quảng bá nhưng không đi vào thực tế.
Để quy hoạch đô thị gắn được với phát triển kinh tế du lịch, ông Thuận đưa ra định hướng: “Chiến lược xanh hóa gắn liền với phát triển bền vững, lấy yếu tố văn hóa làm nội dung cốt lõi. Phát triển đô thị du lịch gắn với nông nghiệp kết nối toàn vùng”.
Ông Thuận đặc biệt nhấn mạnh: “Tích hợp chức năng giáo dục, nghiên cứu vào trong cấu trúc đô thị mở rộng và xem đó là nội lực thúc đẩy sáng tạo đổi mới".
Ông Văn Tuấn Anh (giám đốc Khu du lịch Làng Cù Lần) cho biết: "Chữ xanh rất quan trọng trong phát triển du lịch Đà Lạt. Chúng ta đang có màu xanh tuyệt vời. Khác các địa phương khác, khi họ phải tạo mảng xanh thì chúng ta có sẵn mảnh xanh để khai thác. Chúng ta có một màu xanh rất tuyệt vời, chúng ta có nền văn hóa bản địa ngàn năm.
Do đó, việc sáp nhập, quy hoạch đằng nào cũng nên đặt trên nền tảng của vùng xanh, di sản, và văn hóa bản địa. Nhà đầu tư như chúng tôi đến vùng Langbiang này cũng vì đây là vùng hội đủ những điều kiện đã nói trên".
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống chia sẻ góc nhìn về giao thông: "Quy hoạch ngoài định hình không gian sống trong tương lai thì còn định hình luôn hoạt động kinh tế. Sau khi nhìn ra thị trường tiềm năng thì sân bay, tuyến hàng không phải được lựa chọn phù hợp.
Chúng ta muốn thị trường nào, nhóm khách hàng nào thì tuyến bay, kích cỡ sân bay sẽ thể hiện điều đó. Do đó phải cân nhắc rất kỹ, không phải sân bay phải to mới tốt. Ở Việt Nam đang thiếu sân bay cho loại máy bay nhỏ. Nếu xác lập mô hình nghỉ dưỡng chất lượng cao thì đừng quên nó".
Đà Lạt mở rộng về hướng vùng ven Cầu Đất, và sáp nhập huyện Lạc Dương tạo nên một Đà Lạt mới với địa giới rộng hơn là chủ trương mới được đón nhận tích cực.