Nhà nghiên cứu, phê bình Phạm Xuân Thạch (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) chia sẻ tại tọa đàm khoa học "Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay, thực trạng, định hướng, giải pháp phát triển" do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức ngày 26-5 ở Hà Nội.
Nhà bà Nữ, Chị chị em em 2: Duyệt phim nhẹ tay?
Nêu vấn đề của lý luận, phê bình văn học nghệ thuật hiện nay, ông Thạch nói: giống như văn học đại chúng, phim bom tấn đang không được định giá trong các diễn đàn phê bình nghiêm túc mà chủ yếu là các chương trình truyền thông của nhà sản xuất.
Điều này gây ra khoảng trống không tích cực.
Ông Thạch phân tích, bất cứ quốc gia nào khi đưa sản phẩm văn hóa ra xã hội phải có sự kiểm soát, ngay cả ở Mỹ. Nhưng ở Việt Nam, với một số phim thị trường vừa rồi, phim tốt không được phê bình, đánh giá một cách đúng đắn, còn phim dở cũng thoải mái ra thị trường.
Ông ví dụ phim Em và Trịnh - một phim làm theo dòng phim thị trường nhưng có những dấu hiệu rất tích cực, nên được ghi nhận thì lại không được phê bình, ghi nhận nghiêm túc.
Trong khi hai phim "bom tấn" như Nhà bà Nữ (đạo diễn Trấn Thành), Chị chị em em 2 (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng) theo ông Thạch đều có vấn đề về duyệt phim. Theo nghĩa cả hai phim đều có yếu tố rất lạm dụng, gây tác động xấu đến thuần phong mỹ tục, nhưng không bị kiểm duyệt.
"Chị chị em em 2 ca ngợi hành nghề mại dâm. Nhà bà Nữ hết sức lạm dụng đưa các tích trò, thủ pháp của nghệ thuật tấu hài thô tục vào màn ảnh. Hệ thống kiểm duyệt phim dường như còn nhẹ tay với những phim như thế này", ông Thạch nói.
Ông cho rằng trong bối cảnh như vậy thì phê bình cần có sự vận động để không chỉ có sự định giá với những tác phẩm hướng đến nghệ thuật đỉnh cao mà cả các tác phẩm nghệ thuật đại chúng.
Bằng không, "e rằng phim thị trường sẽ còn tệ hơn bây giờ".
Trong khi đó phê bình đang thiếu môi trường, diễn đàn để phát triển mạnh. Nhiều tờ báo điện tử hầu như không có mục văn hóa, chỉ có giải trí. "Nếu cái gì cũng chỉ để giải trí thì không cần phê bình", ông Thạch nói.
"Chúng tôi nêu gương xấu cho phê bình"
Góp thêm tiếng nói về thực trạng lực lượng phê bình vừa thiếu vừa yếu hiện nay, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng cho biết khoa phê bình lý luận trong Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội mà ông từng dạy đến nay có khoảng 700 sinh viên ra trường, nhưng tất cả không ai theo nghề.
"Rất đau lòng. Nghề phê bình không có cửa nào cho người phê bình có đồng lương sống", ông Thượng giải thích.
Ông cho biết Thái Bá Vân sống bằng nghiên cứu mỹ thuật, ông và Nguyễn Quân sống bằng vẽ tranh, để "làm phê bình không công".
"50 năm làm phê bình của ông Quân (nhà phê bình Nguyễn Quân) và 40 năm của tôi không có tiền, cứ cống hiến thôi.
Chúng tôi là tấm gương xấu cho các sinh viên được đào tạo trong ngành phê bình. Không thể theo được một đời sống như thế", ông Thượng nói đó chính là một lý do thiếu vắng nghiêm trọng lực lượng làm phê bình hiện nay.
PGS.TS Phan Trọng Thưởng đề nghị cần nhìn thẳng vào thực trạng "đốt đuốc đi tìm nhà phê bình, hoặc ai cũng là nhà phê bình". Đội ngũ phê bình rất thiếu và yếu không theo kịp đời sống văn học nghệ thuật, trước dư luận về văn học nghệ thuật thì đánh mất vai trò của nhà phê bình.
Trước hiện trạng này, PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên phó trưởng ban thường thực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nhấn mạnh cần "chấn hưng nền lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam".
Nhân vật của Ngọc Trinh trong 'Chị chị em em 2' bảo 'không muốn làm đĩ, muốn làm người'. Nhưng lúc sau cô lại khỏa thân và khoe rằng đàn ông khắp Nam Kỳ lục tỉnh sẽ mê mình.