Tiếp tục kinh doanh thua lỗ
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất (BCTC) quý I/2023 của Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa (Bia Thanh Hóa), trong 3 tháng đầu năm 2023, Công ty này tiếp tục ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh thua lỗ hơn 11,2 tỷ đồng, mức lỗ này gần gấp đôi so với mức lỗ gần 5,7 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022. Kết quả này tiếp tục cho thấy sự ảm đạm từ hoạt động động kinh doanh của Bia Thanh Hóa, trước đó, trong năm 2022, công ty này cũng đã ghi nhận khoản lỗ 48,9 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, cũng giống như một số kết quả báo cáo trước, trong quý I/2023, Bia Thanh Hóa tiếp tục ghi nhận khoản thu tới từ khoản mục thu nhập khác số tiền 8,6 tỷ đồng. Số thu này giúp lợi nhuận sau thuế của Bia Thanh Hóa chỉ còn ghi nhận âm 3,3 tỷ đồng.
Theo thuyết minh BCTC, khoản thu nhập khác gần 8,6 tỷ đồng nói trên tới từ hoạt động nhượng bán tài sản cố định của Bia Thanh Hóa và được thực hiện trong quý I/2023. Đồng thời, khoản thu này đã tăng xấp xỉ gần 70 lần so với con số hơn 126 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, liên quan khoản mục thu nhập khác, trong cả năm 2022, Bia Thanh Hóa đã ghi nhận khoản thu nhập khác 62,7 tỷ đồng (tăng tới 61 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021), khoản thu nhập khác này đã giúp Bia Thanh Hóa bù đắp khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh và giúp công ty này ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 10 tỷ đồng cuối năm.
Ngoài ra, trong 3 tháng đầu năm 2023 Bia Thanh Hóa cũng ghi nhận một số chỉ tiêu có sự biến động đáng chú ý như tổng tài sản, nợ phải trả... và nghiêm trọng là sự sụt giảm lớn của doanh thu.
Theo đó, trong quý I/2023, sản lượng tiêu thụ Bia Thanh Hóa ghi nhận 9,2 triệu lít, giảm 2,81 triệu lít so với cùng kỳ. Từ đó, kéo theo doanh thu trong kỳ Bia Thanh Hóa chỉ ghi nhận 201 tỷ, giảm 69 tỷ đồng so với cùng kỳ, mức giảm này tương đương khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2022.
Lý giải về sự sụt giảm doanh thu, trong báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Bia Thanh Hóa giải thích nguyên nhân sụt giảm do trong kỳ tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới có nhiều biến động, lạm phát cao dẫn tới sức mua giảm, đồng thời, ảnh hưởng từ Nghị đinh 100/2019/ NĐ-CP cũng khiến việc tiêu thụ bị giảm sút.
Cũng trong giải trình gửi UBCKNN, Bia Thanh Hóa cho rằng, mặc dù ghi nhận doanh thu giảm nhưng trong kỳ Bia Thanh Hóa cũng đồng thời ghi nhận các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt hơn 17 tỷ đồng và 5 tỷ đồng, giảm tương đương 31% và 40% so với cùng kỳ năm trước.
Về các chỉ số tài chính đáng chú ý khác, trong quý I/2023, Bia Thanh Hóa ghi nhận tổng tài sản giảm từ 313 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm về mức hơn 288 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm từ 239 tỷ đồng về mức 217 tỷ đồng, tương đương mức giảm 22 tỷ đồng. Mức giảm trên tới chủ yếu từ sự sụt giảm ở khoản mục tiền và tương đương tiền, khi ghi nhận mức giảm từ 44 tỷ đồng về 14 tỷ đồng ở thời điểm cuối quý I, trong khi đó, khoản mục hàng tồn kho và phải thu ngắn hạn cùng ghi nhận mức tăng 5 tỷ đồng.
Trong quý I/2023, tài sản dài hạn của Bia Thanh Hóa không có nhiều biến động lớn, ghi nhận 71,6 tỷ đồng, giảm gần 3 tỷ so với đầu năm. Khoản giảm này tới chủ yếu từ Khấu hao tài sản cố định và sự biến động của chi phí trả trước và chi phí xây dựng cơ bản dở dang với mức tăng giảm không lớn, trên dưới 3 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, Bia Thanh Hóa ghi nhận nợ phải trả giảm 20 tỷ so với đầu năm, ghi nhận ở mức 138 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn giảm từ 146 tỷ đồng về mức 125 tỷ đồng. Mức giảm trên tới từ sự biến động giảm lớn của các chỉ tiêu như thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, phải trả người lao động cùng giảm 15 tỷ đồng, phải trả khác giảm 11 tỷ đồng, trong khi chỉ tiêu phải trả người bán ngắn hạn tăng 20 tỷ đồng.
Tiếp đó, chỉ tiêu nợ dài hạn không có nhiều biến động ghi nhận mức gần 13 tỷ đồng. Tương tự, vốn chủ sở hữu ghi nhận 150 tỷ đồng, giảm 3 tỷ do ghi nhận khoản lỗ sau thuế 3 tỷ đồng đã nêu trên.
Cổ phiếu như bị "lãng quên" trên sàn giao dịch
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, mặc dù là công ty hoạt động trong lĩnh vực hấp dẫn như bia rượu và nước giải khát, tuy nhiên cổ phiếu của Bia Thanh Hóa (mã THB) lại không được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/5, cổ phiếu của Bia Thanh Hóa (THB) đóng cửa ở mức 13.200 đồng/cổ phiếu và không phát sinh giao dịch. Trong 10 phiên gần nhất, chỉ 4 phiên cổ phiếu THB có phát sinh giao dịch với tổng khối lượng chỉ 3.500 cổ phiếu với giá trị vỏn vẹn gần 40 triệu đồng.
Ông Đàm Quang Tiến, Trưởng phòng Môi giới Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, bia rượu là một trong những ngành kinh doanh béo bở, được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Tuy nhiên, rõ ràng kết quả ảm đạm từ hoạt động kinh doanh đã có ảnh hưởng rất lớn tới sự hấp dẫn, sôi động của cổ phiếu THB trong mắt các nhà đầu tư dẫn tới giao dịch rất hạn chế.
"Những diễn biến giao dịch trên sàn chứng khoán sẽ là một trong những cơ sở căn cứ quan trọng, để xác định giá trị của Bia Thanh Hóa cũng như giá trị cổ phần mà Nhà nước đang nắm giữ và dự kiến thu được khi tiến hành thoái vốn trong thời gian tới" ông Tiến chia sẻ.
Việt Phương