Theo thống kê của huyện, từ đầu năm 2023 đến nay có 26 thửa đất nông nghiệp ở đảo Lý Sơn được bán cho người ở đất liền.
Trong số này, người dân Quảng Ngãi mua 4 thửa, còn lại ở các tỉnh, mua nhiều nhất là người ở Hà Nội. Trong đó có một người mua 6 thửa (2.300m2) và một người mua 3 thửa (1.400m2).
Trong khi đó, theo Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Quảng Ngãi - chi nhánh Lý Sơn, trong năm 2022 và 2023 có khoảng 400 thửa đất chuyển nhượng, trong đó hơn 160 thửa chuyển nhượng cho người đất liền, 80% là đất nông nghiệp.
Theo chính quyền huyện Lý Sơn, sau khi có hiện tượng sốt đất bất thường, UBND huyện đã yêu cầu nhiều đơn vị liên quan kiểm tra. Yếu tố người nước ngoài mua đất đã loại bỏ.
"Lý Sơn là đảo tiền tiêu, có ý nghĩa rất quan trọng với chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chính vì vậy, huyện đang theo dõi chặt chẽ diễn biến mua đất nông nghiệp tăng cao bất thường đang xảy ra tại đảo" - bà Phạm Thị Hương, chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, nói.
Theo bà Hương, Lý Sơn là địa phương đặc thù, do vậy từ năm 2018 UBND huyện đã có chủ trương không chuyển nhượng đất nông nghiệp tại Lý Sơn cho người dân ngoài đảo.
Thời gian qua, UBND huyện kiên quyết không xử lý cho những giao dịch mua bán đất nông nghiệp giữa người dân Lý Sơn với tổ chức, cá nhân không phải là người dân ở đảo.
"Chúng tôi hiểu giá trị của Lý Sơn liên quan đến rất nhiều vấn đề thuộc về lợi ích quốc gia. Hiện huyện phát đi thông báo không cho giao dịch đất nông nghiệp tại đảo. Từ hôm 19-5 đến nay, các đơn vị liên quan ngừng tiếp nhận hồ sơ chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người ngoài đảo.
Thậm chí 10 hồ sơ người dân nộp trước ngày 19-5, tôi cũng không đồng ý cho chuyển nhượng, ít nhất là cho đến khi quy hoạch của Thủ tướng hoàn thành. Đây là sự bất thường cần lưu tâm", bà Hương nói.
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Hậu (Đoàn luật sư Đà Nẵng), pháp luật không có quy định nào nêu chỉ được chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người cùng địa phương. Do vậy, chính quyền cần giải quyết hồ sơ đúng hạn cho người dân, tránh gây phiền hà, khó khăn trong chuyển nhượng.
"Tình trạng tương tự xảy ra ở Đà Lạt và Hà Nội, sau đó chính quyền các địa phương phải thu hồi lại văn bản không cho chuyển nhượng đất nông nghiệp", luật sư Hậu nói.
Cũng theo luật sư Hậu, Lý Sơn là hòn đảo đặc biệt có ý nghĩa đối với Tổ quốc, cần phải xem xét địa phương đặc thù với một số giao dịch, chuyển nhượng. Muốn như vậy, chính quyền huyện Lý Sơn cần có văn bản báo cáo tình hình đang nóng tại địa phương để tỉnh, trung ương có hướng xử lý vấn đề. Bởi có sự bất thường khi giao dịch đất nông nghiệp ở Lý Sơn tăng đột biến cả về diện tích lẫn giá bán.
Đảo Lý Sơn cách đất liền 24km, có hơn 22.000 dân, khoảng 55% dân số làm nông với 300ha chủ yếu là hành và tỏi. Nơi đây cũng là địa điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Ngãi.
Mua bán đất ở Phú Quốc diễn ra bình thường
Ông Huỳnh Quang Hưng - chủ tịch UBND TP Phú Quốc (Kiên Giang) - cho biết mặc dù chịu ảnh hưởng khó khăn chung nhưng việc mua bán và chuyển nhượng đất đai ở đảo Phú Quốc hiện vẫn diễn ra bình thường.
Khoảng năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang cho phép tách 17.808 thửa đất nông nghiệp ở Phú Quốc nên gặp cơn sốt đất rồi diễn ra tình trạng phân lô, tách thửa tràn lan để đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần so với giá trị thật.
UBND tỉnh Kiên Giang lúc đó đã ban hành quy định tạm dừng phân lô tách thửa và đặc biệt đối với đất nông nghiệp ở địa phương. Hai năm sau đó (đến đầu năm 2020), UBND tỉnh Kiên Giang mới cho phép tổ chức, cá nhân ở Phú Quốc làm thủ tục phân lô, tách thửa đất trở lại nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đối với đất đai.
CHÍ CÔNG
Giá cát tại đảo Lý Sơn thời điểm này cao chưa từng có, lên đến 700.000 đồng/m3. Giá cao nhưng việc mua cũng rất khó khăn. Trong khi đó tại các huyện miền núi của Quảng Ngãi, giá cát cũng đã 500.000 đồng/m3.