Hội thảo Kết nối với mạng lưới quản lý đa kênh (MCN), các công ty truyền thông và nhà sáng tạo nội dung trên mạng diễn ra sáng nay 27-5 tại TP.HCM, do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức.
TikTok, Facebook, YouTube có bị cấm tại Việt Nam?
Ông Lê Quang Tự Do - cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) - chia sẻ, trước đây có nhiều cuộc gặp gỡ với nghệ sĩ, công ty truyền thông, nhưng chưa có cuộc gặp gỡ với các KOL (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội).
Đây là lần đầu tiên diễn ra cuộc gặp mặt kết nối ba bên gồm: cơ quan quản lý nhà nước - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung - KOL.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phối hợp để tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi như: Thông điệp của cơ quan quản lý nhà nước về việc kiểm tra này là gì? Liệu Chính phủ có cấm TikTok không? Số phận các nền tảng khác như YouTube và Facebook sẽ ra sao?
Trước vấn đề này, ông khẳng định: "Nếu các nền tảng xuyên biên giới không hợp tác thì cơ quan quản lý sẽ ngăn chặn".
Chẳng hạn, nếu TikTok không hợp tác với bộ thì chắc chắn bị cấm. Nếu các nền tảng này hợp tác và tuân thủ thì sẽ được tạo điều kiện. Ông cũng lưu ý chữ "nếu" rất mong manh, quan trọng là nhận thức và thái độ của các nền tảng xuyên biên giới.
Phạt nặng, "chặn đường" làm ăn nếu câu view bất chấp
Ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh, người làm nội dung cần phải hiểu rằng hiện nay không gian mạng không còn là không gian ảo, phải tuân thủ Luật An ninh mạng, Luật Công nghệ thông tin, nghị định quản lý - cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Điều quan trọng là phải chịu trách nhiệm với nội dung đăng tải, về mặt dân sự và hình sự.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, trực thuộc Bộ Công an Việt Nam) và các đơn vị khác để xử lý nhiều trường hợp tung tin giả gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, hay ảnh hưởng đến quyền công dân, quyền trẻ em, truyền bá mê tín dị đoan, gây kích động bạo lực, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc...
Bên cạnh việc yêu cầu các nền tảng khóa các kênh xấu độc, bộ cũng kết hợp các bên để ngăn chặn các nhân vật tai tiếng bước vào con đường nghệ thuật chính thống, xây dựng chế tài xử phạt nặng, phạt cả bên thuê những người này quảng cáo.
Làm nội dung sạch vẫn kiếm được rất nhiều tiền
Ông Huỳnh Long Thủy - tổng giám đốc VieON - cho biết trong quá trình hợp tác với các KOL, doanh nghiệp đã làm hợp đồng rất rõ ràng. KOL (bên B) phải cam kết tuyệt đối giữ gìn hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội, đời sống riêng tư trong sạch, không tham gia các hoạt động trái pháp luật, không là bị đơn trong các tranh chấp kiện tụng, không phát ngôn nội dung gây mâu thuẫn, không tham gia vào hoạt động quảng cáo sai sự thật...
Theo ông Thủy, nếu một mặt hàng thông thường bị lỗi thì nhà sản xuất sẽ thu hồi. Nhưng các nội dung đăng tải trên mạng (về văn hóa) cho dù xóa vẫn để lại nhiều hệ lụy. "Ngay cả lời xin lỗi sau đó cũng trở thành vô nghĩa", ông nói.
Đại diện Theanh28 Entertainment chia sẻ, hiện đơn vị đang quản lý hơn 600 kênh. Đội ngũ đã mất 5 năm xây dựng nội dung trên Facebook, YouTube, TikTok và có vài lần vấp ngã. Nhưng khi hiểu được nội dung sạch là cần thiết, họ đã thay đổi, nỗ lực không tạo ra các nội dung bẩn.
Trong khi đó, ông Trần Mạnh Duy (Duy Muối) - nhà sáng lập kiêm CEO của DC Media - cho biết đang cố gắng trở thành đơn vị đầu tiên đạt 100 tỉ lượt xem trên TikTok. Kênh hướng tới các nội dung sạch như khuyến học, tạo đầu ra cho nông sản Việt...
Ông Tống Thanh Nhàn (TikToker Thiện Nhân) chia sẻ, lớn lên trong một gia đình nghèo, nhưng nhờ đăng tải các nội dung trên mạng mà bản thân có nguồn thu nhập tốt, giúp được nhiều nông dân. Mặc dù nhiều bên đề nghị hợp tác, ông từ chối đối với các sản phẩm gây hại, hoặc không thể kiểm chứng nguồn gốc.
TikToker này bày tỏ mặc dù xuất thân từ tầng lớp khó khăn nhưng luôn cố gắng tuân thủ pháp luật, đóng thuế đầy đủ, nên hy vọng những người học rộng hơn cũng nỗ lực tuân thủ.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - nhận định, những người sáng tạo nội dung đang làm ăn, kiếm sống trong một hệ sinh thái chứa nội dung thật - giả đan xen. Vì vậy, họ cần có trách nhiệm làm sạch, không cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào nhắm mắt trước những cái sai.
Việc đưa tiền vào tay những người tạo ra nội dung xấu độc không thể được chấp nhận, mà phải ủng hộ người làm nội dung sạch.
Thứ trưởng cho biết song song việc tiến tới định danh người dùng mạng xã hội, phạt nặng bên sai phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tạo ra danh sách trắng (White List) tập hợp các kênh có nội dung sạch, từ đó hỗ trợ các kênh này bằng cách kết nối với nhãn hàng, cũng như cơ quan nhà nước như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế...
Qua đó, thứ trưởng gửi thông điệp: "Làm tử tế vẫn sống được và thậm chí sống tốt".
Ngay sau các bài viết của Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp cho biết đã lập tức yêu cầu các đối tác quảng cáo, chủ mạng lưới quảng cáo giải trình vụ việc.