Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC), Campuchia đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong thanh toán di động khi nhiều người chuyển từ các tùy chọn giao dịch dựa trên tiền mặt sang kỹ thuật số - Tân Hoa Xã (Trung Quốc) cho biết.
Báo cáo giám sát ngân hàng năm 2022 của NBC cho biết: “Xu hướng sử dụng dịch vụ thanh toán gia tăng rõ rệt khi hành vi của khách hàng chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán kỹ thuật số”.
“Số lượng tài khoản ví điện tử đã đăng ký tăng lên 19,5 triệu và tổng số giao dịch tăng từ 708 triệu lên 1 tỷ với tổng số tiền là 272,8 tỷ USD, tăng 34%, gấp khoảng 9 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP)”, báo cáo cho biết.
Báo cáo cho biết 35 tổ chức dịch vụ thanh toán (PSI) đã được cấp phép và hai tổ chức tài chính ngân hàng (BFI) đã được phép hoạt động kinh doanh thanh toán vào cuối năm 2022.
“Nói chung, các sản phẩm và dịch vụ do các tổ chức này cung cấp ở dạng thanh toán kỹ thuật số có thể được vận hành thông qua các ứng dụng di động hoặc tại các đại lý thanh toán khác nhau và các mạng khác”, báo cáo có đoạn.
“Việc sử dụng công nghệ tài chính được tích hợp vào các dịch vụ thanh toán là một yếu tố để tăng cường tài chính toàn diện, thúc đẩy cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và cải thiện niềm tin của công chúng trong việc sử dụng các dịch vụ thanh toán”, báo của Ngân hàng Quốc gia Campuchia nêu.
Giám đốc điều hành của Ngân hàng Bưu điện Campuchia (Cambodia Post Bank) Toch Chaochek cho biết, các dịch vụ thanh toán di động đạt được động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm qua nhờ đại dịch COVID-19.
“Kể từ sau đại dịch, chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều người chuyển sang sử dụng thanh toán kỹ thuật số trong cuộc sống hàng ngày, trong khi nhiều tổ chức tài chính đang cải thiện hệ thống thanh toán kỹ thuật số của họ”, ông nói với Tân Hoa Xã.
Lãnh đạo Cambodia Post Bank cho biết, cho đến nay, hơn 200.000 tài khoản ví điện tử đã được đăng ký với ngân hàng này.
Chưa hết năm 2022, Việt Nam ghi nhận 6,6 tỷ giao dịch không tiền mặt
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), cho biết trên Tạp chí Ngân hàng , trong năm 2022, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử hoạt động ổn định, thông suốt, tăng trưởng cao về cả số lượng lẫn giá trị giao dịch.
Trong 11 tháng đầu năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt qua các hệ thống thanh toán đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, số lượng giao dịch nội tệ qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt trên 141,82 triệu giao dịch với giá trị đạt trên 177,23 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 0,56% về số lượng và 31,39% về giá trị giao dịch.
Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý hơn 3.770,15 triệu giao dịch với giá trị giao dịch đạt trên 38.101 nghìn tỷ đồng, tăng 99,79% về số lượng và 106,09% về giá trị.
Về mạng lưới thiết bị phục vụ giao dịch thanh toán, đến cuối tháng 11/2022, toàn thị trường có 20.889 ATM, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2021, có 404.726 POS, tăng 28,09% so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng theo ông Tuấn, kết quả 11 tháng đầu năm 2022, thanh toán không tiền mặt trong nền kinh tế đạt hơn 6,6 tỷ giao dịch với giá trị hơn 192,38 triệu tỷ đồng (tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị); qua kênh Internet đạt hơn 1.192,67 triệu giao dịch với giá trị hơn 45,43 triệu tỷ đồng (tăng 89,36% về số lượng và 40,55% về giá trị).
Còn qua kênh điện thoại di động đạt hơn 3.941 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 39,4 triệu tỷ đồng (tăng 116,1% về số lượng và 92,3% về giá trị); qua phương thức QR Code đạt hơn 59,6 triệu giao dịch với giá trị hơn 58,4 nghìn tỷ đồng (tăng 182,5% về số lượng và 210,6% về giá trị); qua POS đạt hơn 564,54 triệu giao dịch, với giá trị đạt gần 932,93 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 53,57% và 48,78% so với năm 2021).
Đến đầu năm nay, đã có khoảng 18,8 triệu tài khoản và thẻ được mở bằng eKYC, đã có 20 ngân hàng báo cáo triển khai chính thức về mở thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử theo quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-NHNN với hơn 13,2 triệu thẻ đang lưu hành.