Chương trình "Giới thiệu sản phẩm nông sản sạch cho kênh bán sỉ" do Hiệp hội Doanh nghiệp và trang trại nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) tổ chức tại TP.HCM đã thu hút đông đảo sự quan tâm của nhiều đơn vị kinh doanh nông sản.
"Khát" nông sản sạch, xanh
Tại chương trình, nhiều đơn vị buôn sỉ, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã có mặt từ sớm nhằm tìm kiếm nguồn hàng nông sản sạch, chất lượng cao.
Dừng lại tại từng quầy sản phẩm trưng bày, anh Đinh Cao Tùng - tiểu thương chợ Thủ Đức - cho biết rất vui vì đã kết nối được hai đơn vị sản xuất sản phẩm trà và cà phê hữu cơ.
Anh Tùng chia sẻ thời gian gần đây anh được nhiều đối tác ngoại hỏi thăm và đặt hàng các sản phẩm nông sản Việt có tiếng, tuy nhiên anh không dám nhận vì lo ngại không đáp ứng đủ sản lượng cũng như chất lượng.
Theo anh Tùng, hiện các vùng trồng nông sản sạch còn khá manh mún, lẻ tẻ trong khi các yêu cầu từ nước bạn lại khắt khe. "Tôi phải tới tận nơi, khảo sát, đảm bảo đơn vị đó có đủ các tín chỉ xanh mới dám nhận", anh Tùng nói.
Tương tự, bà Trang Như - kinh doanh trái cây xuất khẩu thị trường Trung Đông - tới chương trình xúc tiến nhằm tìm kiếm những sản phẩm nông nghiệp mới lạ.
Tuy nhiên, theo bà Như, nhiều đơn vị mới chỉ dừng ở cam kết sản xuất theo hướng hữu cơ chứ chưa đáp ứng được đủ các tiêu chuẩn, tín chỉ xanh quốc tế.
Cần bắt đầu từ thị trường trong nước
Theo bà Hạ Thúy Hạnh - phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, số liệu thống kê từ hiệp hội ngành hàng cho thấy nông sản Việt đủ điều kiện để vươn ra thị trường quốc tế mới đạt khoảng 20%.
Tuy nhiên, theo bà Hạnh, trước khi sản xuất xanh, cần đảm bảo thực phẩm sạch. Nông sản sạch trong nước phải đáp ứng đủ thị trường 100 triệu dân.
"Cần nâng cao chất lượng, giá trị cho nông sản Việt từ quê hương, đặc biệt vấn đề an toàn thực phẩm. Làm cách nào để khách du lịch tới TP.HCM có ấn tượng tốt không chỉ về ẩm thực mà còn cả chất lượng thực phẩm, nông sản ngay tại quê nhà", bà Hạnh nói.
Về vấn đề nông sản xuất khẩu, bà Hạnh cho rằng cần chú trọng hơn các chứng chỉ mềm như chỉ số carbon, bảo vệ môi trường, lực lượng lao động không có lao động trẻ em, tỉ lệ lao động phụ nữ… bên cạnh các chỉ số về sản lượng, chất lượng.
Tương tự, ông Lê Duy Minh - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp và trang trại nông nghiệp Việt Nam - cho biết nông sản Việt Nam đa dạng chủng loại với hơn 1.500 sản phẩm nông sản tiêu biểu đa dạng, phong phú.
"Trước khi tăng xuất khẩu, cũng cần chinh phục thị trường trong nước. Đây cũng là đường đi lâu dài giúp doanh nghiệp phát triển bền vững" - ông Minh nhận định.
Trứng gà ‘hạnh phúc’ - tức trứng được sinh ra từ gà nuôi trong môi trường thoáng, rộng, bằng nguồn thức ăn sạch - đắt khách dù đắt hơn trứng thường tới 20%.