Theo bà Nguyễn Phi Vân, nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam ngày càng sôi động, đầy tiềm năng. Nhiều thương hiệu quốc tế cũng đã có mặt và không ít thương hiệu đã thành công. Tuy nhiên, hiện thông tin về nhượng quyền đang khá hỗn loạn, nhiều người vẫn hiểu sai về hoạt động này. Chính vì vậy, thời gian qua, có những trường hợp người khởi nghiệp (start-up) lợi dụng mô hình nhượng quyền để kêu gọi đầu tư vốn, lừa đảo.
Thậm chí không ít chủ thương hiệu cũng chưa hiểu đúng về nhượng quyền dẫn đến việc áp dụng các hình thức nhượng quyền chưa hợp lý và thiếu hiểu biết pháp lý. Điều này đã nảy sinh những mâu thuẫn và tranh chấp làm nhiễu loạn thị trường. Với các nhà đầu tư, nếu hiểu biết chưa đúng, chưa đầy đủ về nhượng quyền cũng khó đạt được hiệu quả, thành công như kỳ vọng.
Khách tham dự đang trải nghiệm ẩm thực tại một gian hàng ẩm thực thuộc một trong số các thương hiệu đang nhượng quyền thành công tại Việt Nam |
Bà Nguyễn Phi Vân nhấn mạnh, nhượng quyền là ngành đóng góp lớn vào GDP quốc gia khi được đầu tư đúng mức để ngành phát triển. Tại Singapore, ngành này đóng góp 3% vào GDP, tại Philippines là 5%, tại Malaysia là 6,3%, tại Mỹ là 5,1%, tại Úc là 9%, tại Canada là 10%. Ngoài ra, đây cũng là ngành tạo công ăn việc làm, lao động tầm cỡ cho nền kinh tế. Với lý do đó, rất nhiều quốc gia đã cấu trúc ngành nhượng quyền thành ngành chiến lược để phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt cho khối kinh tế tư nhân và đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Để nhượng quyền phát triển tại Việt Nam, bà cho rằng, trước hết phải chuyên nghiệp hóa một mô hình và thương hiệu, sau đó tăng tốc phát triển tại thị trường nội địa và xuất khẩu. Ẩm thực được xem là một trong những ngành tiềm năng nhất để đi theo con đường nhượng quyền nhờ lợi thế tính khác biệt cao và người tiêu dùng mong chờ. Việt Nam với những món ăn truyền thống và ngày càng được khách hàng quốc tế biết đến như phở, bún, bánh cuốn, bánh mì… đang đứng trước cơ hội vàng để bước ra thế giới thông qua một mô hình phù hợp. Điều này cũng đúng với ngành dịch vụ khi ứng dụng công nghệ vào mô hình vận hành.
"Giá trị cao nhất khi xuất khẩu không phải là xuất sản phẩm thô, xuất tươi, chế biến sâu mà là xuất khẩu mô hình và thương hiệu, là sở hữu trí tuệ của người Việt Nam ra thế giới, đưa được người sáng lập của Việt Nam ra toàn cầu”, chuyên gia Nguyễn Phi Vân nói.
Theo thống kê của Bộ Công thương, trong năm 2020, số lượng thương hiệu nhượng quyền nước ngoài gia nhập hoặc tái ký hợp đồng để tiếp tục ở lại thị trường là 22 thương hiệu. Đến năm 2021 con số này tăng lên là 26. Năm 2022, dù ảnh hưởng từ dịch COVID-19 còn khá nặng nề, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động từ lạm phát, chiến tranh nhưng vẫn có 18 thương hiệu nhượng quyền nước ngoài hoặc tái ký hợp đồng vào Việt Nam. |
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.9662941a-oad-aul-ut-uad-iog-uek-ed-neyuq-gnouhn-gnud-iol-pu-trats/nv.moc.enilnounuhp.www