Cuộc trò chuyện gần nhất diễn ra khi ông đang tất bật làm hậu kỳ cho Gieo nhân (đang phát sóng trên kênh HTV7 từ thứ hai đến thứ tư hằng tuần, từ ngày 16-5).
Tôi yêu thích tác phẩm của Hồ Biểu Chánh từ nhỏ
* Gieo nhân là bộ phim thứ 13 ông thực hiện được chuyển thể từ truyện của Hồ Biểu Chánh. Người trong nghề gọi ông là chuyên gia chuyên trị dòng phim này. Ông nghĩ sao về nhận định này?
- Thật sự tôi không dám nhận danh xưng này. Nhưng tôi yêu thích tác phẩm của Hồ Biểu Chánh từ nhỏ.
Tôi là người An Giang quê rặt nên chất Nam Bộ đã ngấm vào người, yêu thích những tác phẩm văn học Nam Bộ.
Ngày còn bé, những lần về nhà ngoại, tôi thường được người cậu lén lấy sách từ tủ sách của ông ngoại cho tôi đọc. Nhận được sách tôi chạy vù ra vườn, leo lên cây trốn đọc cả ngày không biết chán. Tiếp xúc và thích truyện của nhà văn Hồ Biểu Chánh từ nhỏ, lớn lên làm phim Hồ Biểu Chánh tôi có cơ hội nghiên cứu sâu về truyện của ông. Thích lắm.
* Điều gì khiến ông cảm thấy tâm đắc nhất khi đọc truyện và làm phim Hồ Biểu Chánh?
- Trước đây cũng có một số nhận định cho rằng truyện Hồ Biểu Chánh bình dân, thuộc loại rẻ tiền... Nhưng điều này tôi thấy không đúng.
Truyện Hồ Biểu Chánh hay lắm, chứa đựng hạt ngọc sau lớp vỏ bình dân. Đọc truyện mà giống như được nghe nói chuyện, tâm sự gần gũi; giọng văn mộc mạc, chân tình. Chuyện về thế thái nhân tình mang đậm tính nhân văn, đạo đức. Qua tác phẩm, ông luôn khẳng định không có người nào ác quá hay tốt quá. Bản chất cái ác do môi trường, do hận thù mà tạo nên. Cái ác chỉ dừng lại ở mức độ vừa phải, không quên lương tri và luôn bị hối hận với hành động ác đó, dù không sớm thì muộn.
Một điều thú vị là khi đọc truyện Hồ Biểu Chánh, ta thấy được cảnh trí văn hóa, phản ánh chân thật bình dị văn hóa đời sống, cách nói chuyện, ứng xử của con người miền Nam...
* Có phải vì sự tâm đắc ấy mà từ bộ phim Ngọn cỏ gió đùa đến nay, hầu hết các phim Hồ Biểu Chánh do đạo diễn Hồ Ngọc Xum thực hiện thường thành công. Bí quyết là gì, thưa ông?
- Bộ phim Hồ Biểu Chánh đầu tiên tôi thực hiện là phim truyện video hai tập Ngọn cỏ gió đùa năm 1989. Phim chiếu rạp do biên kịch - đạo diễn Việt Linh chuyển thể. Bộ phim này có một đơn vị nước ngoài mua bản quyền đem về Mỹ phát hành.
Tác phẩm này cũng có duyên với tôi là sau 23 năm, tức năm 2012, tôi được Hãng phim TFS mời sản xuất bộ phim truyền hình Ngọn cỏ gió đùa gồm 45 tập. Đoàn phim mất tám tháng vất vả đi qua 16 tỉnh thành, mất một năm mới hoàn tất. Phim phát sóng trên kênh HTV9 và cũng được một đơn vị mua phát hành ở nước ngoài...
Phim Hồ Biểu Chánh được khán giả thích xem lắm. Tôi còn nhớ năm 1999, khi phim Con nhà nghèo tôi làm đạo diễn phát sóng, một vị lãnh đạo ở TP.HCM khi đi công tác dài ngày tại Hà Nội đã gọi điện đến lãnh đạo Hãng phim TFS xin được mua băng video tất cả các tập bộ phim này để đem ra Hà Nội xem một lèo cho đỡ nhớ miền Nam. Ông ấy bảo phim đang phát sóng trên kênh ở Bắc nhưng mỗi tuần ít quá, coi không đã ghiền.
Sau này tôi còn làm nhiều phim của Hồ Biểu Chánh như Hai khối tình, Lòng dạ đàn bà, Cay đắng mùi đời, Tơ hồng vương vấn... cũng được yêu thích. Theo tôi nghĩ, phim thành công bởi câu chuyện của Hồ Biểu Chánh quá hay, gần gũi với mọi người. Nhiệm vụ tôi làm sao là truyền tải được tinh thần của Hồ Biểu Chánh vào phim.
Hạnh phúc là được ở nơi giàu tình cảm
* Trong 40 năm làm nghề, có khi nào ông mỏi gối chồn chân, muốn nghỉ ngơi?
- Có chứ. Ngay lúc tôi nghỉ hưu ở Hãng phim Giải Phóng, tôi quyết định thôi không làm phim nữa mà làm phóng sự tài liệu ngắn thôi. Tôi được mời cộng tác với Sài Gòn TV làm phim tài liệu về người tốt việc tốt. Công việc cũng không quá khó. Thế rồi công ty này ký hợp đồng làm phim sitcom dài đến 250 tập với truyền hình Vĩnh Long.
Họ bảo cần tôi hỗ trợ vì bộ phận sản xuất phim truyện còn non trẻ. Thế là tôi lại tiếp tục với công việc làm phim. Người ta còn mời chứng tỏ mình còn hữu ích. Rồi sau đó công việc cuốn tôi đi hết phim này đến phim khác.
* Chỉ gắn bó duy nhất một công việc làm phim mấy chục năm, nhìn lại cuộc đời mình, ông thấy được gì mất gì?
- Nếu chỉ làm phim đơn thuần, nghề chỉ đủ để sống chứ khó làm giàu. Cuộc sống gia đình riêng cũng ảnh hưởng. Thời trẻ, tôi đi làm phim miệt mài. Chuyện kinh tế gia đình một tay vợ lo liệu. Thời gian trôi qua, cô ấy cũng không thể sống cùng với một người đi suốt như tôi nên chúng tôi chia tay nhau khi có hai người con trai.
Tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự với người vợ sau, khi đã có hai cô con gái. Giờ tôi độc thân, sống cùng hai con gái và tự lo liệu bản thân mình.
Lúc trẻ khi làm phim, quan điểm hạnh phúc của tôi là được làm những gì mình thích và có tiền. Sau này, quan điểm hạnh phúc là được ở nơi giàu tình cảm giữa người với người. Đoàn phim chính là nơi giàu tình cảm nhất. Còn bây giờ, tôi lại nói vui với chiến hữu rằng: làm phim không phải vì tiền, làm phim để gặp bạn hiền cho vui.
Ở trong nhà tôi, chiếc ba lô và va li đặt trong góc phòng và luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường làm phim.
Tôi U70 rồi, à mà cô nhà báo nhớ đừng nói tuổi thật của tôi nhé, không khéo các hãng phim chê tôi già, không giao phim tôi làm nữa là tôi buồn lắm (cười).
* Đạo diễn HỒ NGỌC XUM đã gắn bó với chiếc máy quay phim 40 năm qua. Không chỉ là tên tuổi quen thuộc với khán giả qua các phim truyền hình của Nhà nước lẫn tư nhân, phim chuyển thể từ tác phẩm Hồ Biểu Chánh, ông có nhiều trải nghiệm với điện ảnh từ năm 1978: làm trợ lý các phim nổi tiếng như Ngọn lửa K'rung (đạo diễn Lê Hoàng Hoa), Đứa con bị từ chối (đạo diễn Lê Dân), Vùng gió xoáy (đạo diễn Hồng Sến), Ván bài lật ngửa (tập 1 - đạo diễn Lê Hoàng Hoa).
Thập niên 1980, ông làm phó đạo diễn phim Hòn đất (đạo diễn Hồng Sến), Mùa nước nổi (đạo diễn Hồng Sến), Ngỡ ngàng và Phù sa (đạo diễn Lâm Mộc Khôn), Hai chị em (đạo diễn Lê Dân). Sau đó, ông làm nhiều phim chiếu rạp như Lệnh truy nã 2, Tình yêu vực thẳm, Võ sĩ bất đắc dĩ, Mênh mông tình buồn, Cô bé mộng mơ...
"Có thể nói phim ảnh đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm, thậm chí suýt chết vì tai nạn" - ông chia sẻ.
Bộ phim truyền hình mới 'Gieo nhân' được cải biên từ tiểu thuyết 'Bỏ vợ' và 'Bức thư hối hận' của nhà văn Hồ Biểu Chánh lên sóng 19h30 thứ hai đến thứ tư hằng tuần trên HTV7, bắt đầu từ 16-5.