Những điểm lợi khi tăng tuổi với công an
Nêu ý kiến thảo luận tại tổ chiều 27-5 về dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi, trung tướng Nguyễn Hải Trung, giám đốc Công an Hà Nội, cho biết việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an có nhiều điểm lợi.
Trong đó, tạo được sự đồng bộ, tương thích với Luật Lao động và tăng dày thêm các quỹ bảo hiểm xã hội.
Thêm vào đó, theo trung tướng Trung, số sĩ quan, nhất là sĩ quan cấp cao (từ thượng tá trở lên) khi được kéo dài tuổi sẽ giúp thừa hưởng kinh nghiệm của họ, từ đó tạo điều kiện tốt cho công việc, lực lượng.
Liên quan đến ý kiến băn khoăn về tăng tuổi đối với nữ sĩ quan, ông Trung nói hiện nay số lượng nữ trong lực lượng chỉ chiếm hơn 10%.
Cạnh đó, số cán bộ nữ chỉ làm công tác trong giáo dục, y tế, công tác đảng, chính trị, hậu cần, tài chính, còn làm việc nơi khác không nhiều.
Ông nhắc lại việc trước đây tất cả cán bộ nữ đều về hưu ở tuổi 55 nhưng sau có thay đổi cho phép một số vị trí phó chủ tịch tỉnh, ủy viên trung ương trở lên hay công an nếu là tướng trở lên sẽ ở tuổi 60.
"Trước khi có thay đổi này, có rất nhiều bài báo, tiếng nói của phụ nữ là đến tuổi 55 chưa kịp cất cánh đã hạ cánh. Họ phân tích trước tuổi 55 phải lo việc gia đình, rất nhiều thứ, đến lúc con cái lớn, rảnh hơn để lo công việc lại nghỉ hưu mất rồi", trung tướng Trung nêu.
Đối với việc thăng cấp hàm thiếu tướng trước niên hạn, theo ông Trung, trong luật đã có quy định nhưng phải đến luật vừa qua mới cụ thể hóa là việc thăng cấp hàm thiếu tướng trước niên hạn phải có văn bản của Ban cán sự Đảng Chính phủ.
Song để có văn bản này, trước đó phải có ý kiến của Ban Bí thư đồng ý và phải có huân chương, huy chương.
"Tôi cũng được trong diện đối tượng hưởng lợi từ chính sách này. Từ thiếu tướng lên trung tướng giảm một năm. Do đó, nếu quy định cụ thể được rất tốt", ông Trung chia sẻ.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng đề xuất sĩ quan công an là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp được kéo dài thời hạn phục vụ nhằm thống nhất với các ngành khác. Song cần quy định rõ những người này chỉ làm chuyên môn chứ không được làm quản lý.
Bà nói kéo dài tuổi hưu, nhìn mặt tích cực là sẽ tận dụng được kinh nghiệm, chất xám trong khi đất nước còn thiếu người có trình độ cao.
“Nhưng nếu kéo dài tuổi hưu ở vị trí quản lý sẽ cản bước lớp trẻ phát triển”, bà Lan nói và cho rằng ngành công an có môi trường làm việc áp lực, vất vả, nguy hiểm nên chưa chắc ai cũng muốn kéo dài tuổi hưu.
Vì vậy với các giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia... bà đề xuất khi kéo dài tuổi hưu không nhất thiết làm quản lý mà tập trung làm chuyên môn, có thể ký hợp đồng thêm với đơn vị.
Về nội dung này, trung tướng Trung nhấn mạnh các trường hợp này được kéo dài nhưng không giữ chức vụ quản lý mà làm nhiệm vụ chuyên gia.
Đại biểu băn khoăn luật công an mới sửa mấy năm nay lại sửa
Cũng nêu ý kiến thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đặt vấn đề Luật Công an nhân dân vừa sửa năm 2018, có hiệu lực từ 2019, khoảng cách không xa lắm nhưng hiện nay lại sửa đổi.
"Để đồng bộ hệ thống pháp luật thì cần thiết, nhưng luật cũng mới ban hành, mà chỉ sửa một số nội dung thì cũng nên xem xét", ông Hận nêu.
Ông cũng dẫn lại việc đi tiếp xúc cử tri, công nhân lao động đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu song ở đây khi sửa luật công an lại đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.
"Cũng phải xem lại, tại sao có sự mâu thuẫn giữa một bên muốn nghỉ hưu sớm, một bên muốn kéo dài", ông Hận nói thêm.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận (giám đốc Công an Cần Thơ) cho rằng dự án sửa luật cần thiết ban hành nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, đẩy mạnh xây dựng lực lượng.
Ông nói các nội dung sửa đổi nhằm khắc phục một số khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn trong quá trình thi hành luật năm 2018.
Sáng 27-5, đại tướng Tô Lâm - bộ trưởng Bộ Công an - đã thay mặt Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.