Ngày 27/5, UBND tỉnh Bình đã gửi ý kiến đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án cảng chuyên dùng Khu liên hiệp gang thép Long Sơn giai đoạn 1. Mục đích để phục vụ cho nhà máy thép 53.500 tỷ đồng, công suất 5,4 triệu tấn một năm ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn.
Theo hồ sơ dự án, cảng chuyên dụng cho nhà máy thép dự kiến có tổng vốn 6.800 tỷ đồng từ vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay các tổ chức tín dụng. Cảng chuyên dùng có quy mô đầu tư 10 cầu cảng, tiếp nhận cỡ tàu trọng tải 250.000 DWT, khối lượng bóc dỡ hàng hóa theo hồ sơ thiết kế từ 21-23 triệu tấn một năm; diện tích dự kiến 500 ha trong đó 474 ha mặt nước; phục vụ vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho Khu liên hiệp gang thép Long Sơn đúng tiến độ.
Theo UBND tỉnh Bình Định, để đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy thép thì không thể thiếu cảng biển. Cảng này cũng phù hợp với Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam; không chồng lấn với các khu chức năng dân dụng đô thị, công trình theo quy hoạch.
Khi cảng và nhà máy thép đi vào hoạt động sẽ góp phần phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ cảng biển, tạo động lực thúc đẩy ngành hàng hải quốc tế kết hợp với việc phát triển ngành công nghiệp gang thép xuất khẩu; tạo nguồn thu ngân sách của địa phương. Sản phẩm, dịch vụ cung cấp của dự án bao gồm: Bốc xếp, vận chuyển, lưu giữ hàng hóa, xuất thép sản phẩm; bảo dưỡng, sửa chữa máy móc thiết bị ngành vận tải đóng tàu.
Dự án cũng sẽ giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 7.500 người, trong đó 3.000 người ở giai đoạn một. Ước tính nộp ngân sách tại giai đoạn thi công khoảng 4.926 tỷ đồng, ở giai đoạn đi vào sản xuất toàn bộ dự án khoảng 10.395 tỷ đồng, đóng góp Tổng sản phẩm địa phương theo giá hiện hành khoảng hơn 20.500 tỷ đồng.
Với sự cần thiết của cảng biển như đã nêu, tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương và chấp thuận nhà đầu tư.
Dự án Khu Liên hiệp Gang thép Long Sơn được chấp thuận chủ trương đầu tư từ 2022, là một trong những dự án trọng điểm của Bình Định. Bên cạnh những mặt tích cực theo hứa hẹn của nhà đầu tư và địa phương, dự án gây lo ngại về môi trường. Trước những lo ngại này, Chủ tịch Bình Định Phạm Anh Tuấn khẳng định tỉnh không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế xã hội, "sự cố như Formosa sẽ không xảy ra".
Để thực hiện dự án, khoảng 566 hộ của thôn Lộ Diêu sẽ phải di dời. Chính quyền tỉnh cam kết sẽ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân bằng hoặc tốt hơn nơi cũ.