Trong đó, chiều 27.5, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài.
Chìa khóa để phục hồi
Trong thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế QH, cho rằng "thay đổi chính sách với visa tới giờ mới làm là muộn". Ông cũng dẫn ra thực tế, năm 2019 (thời điểm trước dịch), VN đạt 19 triệu khách quốc tế, trong khi đó Thái Lan là 25 triệu. Năm 2022, VN đặt mục tiêu phục hồi sau dịch rất lớn là 5 triệu khách quốc tế, kết quả chỉ đạt 60%. Trong khi đó, Thái Lan đạt 11 triệu khách du lịch, Malaysia hơn 9 triệu khách.
"Phục hồi du lịch của VN rất chậm. Ngay từ năm ngoái, Thái Lan có nhiều chính sách gia hạn visa, kéo dài thời gian lưu trú hay tạo điều kiện cho khách nhập cảnh qua hình thức trực tuyến… trong khi VN chưa triển khai được những việc này", ông Hùng nói.
"Tháo gỡ thủ tục visa là chìa khóa để VN phục hồi tốt hơn, du lịch Việt cất cánh vì xét về điều kiện tự nhiên, thiên nhiên không kém gì các nước láng giềng. Tại sao du lịch VN có khoảng cách xa như vậy với các nước xung quanh?", ông Hùng đặt câu hỏi. Dự luật giao Chính phủ sẽ quy định chi tiết danh sách các nước được mở rộng thời gian lưu trú, đăng ký visa trực tuyến, theo ông, cần mở rộng nhiều nhất có thể các nước được áp dụng các quy định này. Ông Hùng cũng đề nghị cơ quan quản lý cải thiện hệ thống đăng ký visa trực tuyến, nâng cấp hệ thống tốt hơn, tránh tạo ra rào cản.
ĐB Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk), Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi luật. Theo ĐB Thành, nền kinh tế VN độ mở rất lớn, để bảo đảm sự đồng bộ giữa nền kinh tế mở và cư trú của người nước ngoài, cần có quy định về mặt thể chế để đảm bảo đồng bộ, nếu không sẽ cản trở việc phát huy ưu thế của nền kinh tế mở.
ĐB Thành cho rằng sân bay Long Thành đang được đầu tư xây dựng và dự kiến sẽ giúp VN trở thành trạm trung chuyển hàng không của khu vực và quốc tế. VN cũng có vị trí địa chính trị quan trọng, nằm ở trung tâm Đông Nam Á, thuận lợi cho điểm trung chuyển hành khách cho các cảng hàng không. Do đó, ông cho rằng quy định về thị thực điện tử có giá trị nhiều lần là rất cần thiết đối với du khách tới VN và qua các quốc gia khác để du lịch. "Việc này tránh được những phiền toái khi cấp lại thị thực và cũng phù hợp với luật pháp quốc tế", ĐB Thành nêu.
Tháo gỡ thủ tục visa là chìa khóa để VN phục hồi tốt hơn, du lịch Việt cất cánh vì xét về điều kiện tự nhiên, thiên nhiên không kém gì các nước láng giềng. Tại sao du lịch VN có khoảng cách xa như vậy với các nước xung quanh?
Tại dự thảo luật, Chính phủ đề xuất quy định cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn thực hiện việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua môi trường điện tử. Song, ĐB Thành cho rằng không nên phân biệt cách thức khai báo điện tử hoặc khai báo bằng phiếu đối với người nước ngoài. Việc này sẽ tránh được những phiền toái nếu máy móc bị trục trặc, ảnh hưởng đến kế hoạch, dự định của du khách.
"Hai hình thức chúng ta đều quản lý được, vì mục tiêu cuối cùng của chúng ta là quản lý, tại sao phải phân biệt đối xử", ông Thành nói và kiến nghị khách sạn có thể chấp nhận cả hình thức khai báo bằng phiếu.
ĐB Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, thì đánh giá việc nâng thời hạn tạm trú (cấp tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực) lên 45 ngày mới ở mức trung bình của khu vực. "Chúng ta nên đánh giá lại, vì sao đang tạo điều kiện thu hút đầu tư, hợp tác, du lịch nhưng không nâng lên 60 ngày hay 90 ngày mà lại lấy 45 ngày", ông Thắng nêu.
Đề xuất giám sát thị trường BĐS, nhà ở xã hội
Trước đó, sáng 27.5, góp ý tại phiên thảo luận dự kiến chương trình giám sát của QH năm 2024, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) thẳng thắn chỉ rõ kinh tế đang suy giảm, tỷ lệ doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường lên tới 25% trong 4 tháng đầu năm. Báo cáo số lao động mất việc làm thời gian gần đây rất lớn, dù không có con số cụ thể nhưng có thể hình dung khoảng 500.000 lao động mất việc làm.
Đề xuất bổ sung 6 vị trí cấp hàm tướng trong công an
Sáng 27.5, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thay mặt Chính phủ trình QH tờ trình về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công an nhân dân. Theo đó, Chính phủ đề nghị bổ sung quy định cụ thể về 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng trong công an nhân dân, bao gồm 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng và 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng.
Một vị trí được bổ sung có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng được quy định cho sĩ quan công an nhân dân biệt phái giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH. 5 vị trí có cấp hàm cao nhất là thiếu tướng gồm: Hiệu trưởng Trường ĐH Cảnh sát nhân dân; Hiệu trưởng Trường ĐH An ninh nhân dân; 1 trợ lý ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; 2 vị trí phó cục trưởng tại đơn vị trực thuộc Bộ Công an.
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh QH Lê Tấn Tới cho biết có một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là đại tướng đối với sĩ quan công an nhân dân biệt phái khi được Đảng phân công và được QH bầu giữ chức vụ Phó chủ tịch QH. Trong khi đó, tại phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị, sau khi quy định cấp hàm cao nhất là thượng tướng cho sĩ quan công an biệt phái làm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh QH (hiện là ông Lê Tấn Tới, nguyên là Thứ trưởng Bộ Công an - PV) thì cần xem xét thăng cấp hàm cho Phó chủ tịch QH Trần Quang Phương vì hiện ông Phương cũng chỉ mới có cấp hàm là thượng tướng.
Đề nghị giám sát gói phục hồi của Nghị quyết 43 năm 2022, ĐB Ngân nêu dự trù 301.000 tỉ đồng nhưng sau 1 năm rưỡi mới giải ngân được 29%, trong khi gói thời hạn chỉ 2 năm. "Rất mong Thủ tướng chỉ đạo đề xuất QH có gói hỗ trợ khẩn cấp hơn, hỗ trợ an sinh xã hội, gia đình chính sách", ông Ngân nói.
Ông Ngân cũng cho rằng hiện chỉ gói đầu tư cho hạ tầng triển khai tương đối tốt, trong khi gói tiền tệ chưa hiệu quả. "Nếu đọc số liệu thì nghĩ giảm thuế sẽ giảm thu ngân sách. Nhưng năm 2022 giảm thuế, thu ngân sách dự toán ban đầu 1,4 triệu tỉ đồng, cuối năm thu 1,8 triệu tỉ đồng. Giảm thuế rất cần thiết, góp phần tăng doanh thu, giải quyết việc làm", ĐB Ngân đề xuất.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch QH Trần Quang Phương cho biết với đề xuất gói hỗ trợ khẩn cấp về an sinh xã hội, đề nghị Chính phủ nghiên cứu để báo cáo tiếp thu giải trình trong phiên thảo luận KT-XH.
Tương tự, ĐB Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nêu trong tình huống khẩn cấp, phải ứng phó như Nghị quyết 43 đưa ra cả gói tài khóa để kích cầu kinh tế trong 2 năm. Tuy nhiên, thực tế thực hiện đến đâu cũng cần giám sát để rút bài học kinh nghiệm. "Theo báo chí đăng thì vẫn còn 1 triệu tỉ đồng nằm trong Ngân hàng Nhà nước không giải ngân được. Vậy việc đưa 113.500 tỉ đồng tập trung cho hạ tầng để kích thích phát triển kinh tế, kích cầu thì nền kinh tế có hấp thụ được hay không, hay không quen ứng phó với tình huống khẩn cấp?", ĐB Huân nói và cho rằng riêng thủ tục phê duyệt các dự án hạ tầng cũng mất đến 2 năm, hết thời hạn gói kích cầu.
Theo ĐB, thị trường bất động sản (BĐS) chìm lắng đang ảnh hưởng đến nền kinh tế. Năm 2022, kinh tế phát triển ngoạn mục nhưng quý 1/2023 đang chững lại. "BĐS ngừng lại, một mạch máu chính của nền kinh tế ngừng lại cần phải khai thông. Nếu không làm gấp, làm nhanh cũng sẽ như khủng hoảng kinh tế năm 1997, bắt đầu từ khủng hoảng BĐS của Thái Lan", ông Huân nói.
Băn khoăn tăng tuổi nghỉ hưu của công an
Tại dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công an nhân dân trình QH sáng 27.5, Chính phủ cũng đề nghị tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm thượng tá tăng 3 tuổi; nữ sĩ quan cấp tướng giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành. Cùng đó, bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan công an nhân dân trong trường hợp đặc biệt.
Thời gian tăng tuổi theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Riêng sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì tăng ngay 2 tuổi, không theo lộ trình nêu trên.
Thảo luận tại tổ chiều cùng ngày, nhiều ĐB nhất trí với đề xuất này, để đảm bảo phù hợp với bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 đã điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của lao động. Tuy nhiên, một số ĐB cũng nêu băn khoăn khi nhiều cử tri nhất là công nhân lao động, giáo viên qua tiếp xúc đều đề nghị QH phải xem xét để giảm tuổi hưu, trong khi lực lượng công an lại đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu. "Tại sao có sự mâu thuẫn giữa một bên muốn nghỉ hưu sớm, một bên muốn kéo dài? Có lợi ích gì trong này? Do chúng ta được giác ngộ nhiều hơn nên muốn cống hiến nhiều hơn hay thế nào?", ĐB Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) nêu và đề nghị cần xem lại để có sự hài hòa lợi ích khi thiết kế, xây dựng luật.
ĐB Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) thì cho rằng cần tập trung giám sát việc triển khai nhà ở xã hội (NOXH). Đây là chủ trương đúng nhưng thực tế còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Có địa điểm NOXH không ai tham gia, có nơi lại quá đông. Cách xác định đối tượng mua cũng còn nhiều tranh luận khác nhau. Để phát triển NOXH đạt yêu cầu, theo ông, cần định hình rõ chính sách, hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi chính sách.
ĐB Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) đề nghị Ủy ban Thường vụ QH đẩy mạnh giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo ông, nhiều văn bản "không phù hợp, thiếu tính khả thi, thậm chí còn sai sót đang là những khó khăn, cản trở lớn cho hoạt động của DN". Đặc biệt, ĐB đề nghị tiếp tục quan tâm giám sát việc thực hiện lời hứa của các vị bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên Chính phủ, vì đây là vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.