Tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đã đề nghị sửa đồng thời với các luật liên quan quân đội để đảm bảo thống nhất quy định trong lực lượng vũ trang.
Quân đội có sửa luật không?
Nêu ý kiến tại tổ, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, thứ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết mấy ngày nay nhiều đại biểu có hỏi ông về việc quân đội có sửa luật không?
Giải đáp câu hỏi này, Thượng tướng Cương cho hay mặc dù quân đội và công an đều là lực lượng vũ trang nhưng “không phải cái gì quân đội có, công an cũng có hoặc cái gì công an có thì quân đội cũng có”.
Vì vậy việc sửa luật cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tính chất nhiệm vụ của từng lực lượng.
Ông nói quân đội hiện nay chi phối từ 3 luật: Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự. Trong khi công an chỉ có Luật Công an nhân dân.
Ông Cương cho biết hiện nay quân đội đang tổng hợp ý kiến cử tri để trước mắt sửa Luật Nghĩa vụ quân sự.
Hiện nay luật này có những bất cập, việc sửa luật cố gắng làm sao để thu gọn đối tượng tạm miễn, tạm hoãn nghĩa vụ một cách tương đối.
"Chúng tôi nhận rất nhiều ý kiến của cử tri làm sao để tạo công bằng xã hội nhưng rất khó. Hiện 1 năm cả quân đội và công an lấy vào chỉ 3,4% số thanh niên đến tuổi nhập ngũ, số lượng rất ít”, ông Cương phân tích.
Vì vậy tới đây theo ông, sửa luật sẽ cố làm sao thu hút được những thanh niên có trình độ, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong thời kỳ mới. Hai luật còn lại nếu sửa thì phải đồng bộ và sẽ nghiên cứu sửa vào thời điểm phù hợp.
Vì sao quân đội chưa tăng tuổi nghỉ hưu?
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương thông tin thêm hiện quân đội đang thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về tổ chức quân đội giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo.
Sau khi ổn định tổ chức, biên chế, Bộ Quốc phòng sẽ nghiên cứu, xem xét sửa đổi đồng thời Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Còn công an đã ổn định tổ chức biên chế nên việc sửa luật vào thời điểm này là phù hợp.
Đối với nội dung cụ thể sửa Luật Công an nhân dân, ông Cương cho rằng việc dự luật quy định tăng tuổi nghỉ hưu với công an là thực hiện theo Bộ luật Lao động, có lộ trình đáp ứng được, bởi đặc thù nhiệm vụ của công an khác với quân đội.
“Hiện nay quân đội chỉ có 11 chức danh cơ bản theo hình chóp. Nếu ở trên tăng tuổi nghỉ hưu thì dưới cũng phải tăng hết. Như vậy không đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ”, ông Cương nói.
Ông phân tích thêm thực tiễn những ai ở trong quân đội hoặc đến thăm các đơn vị của quân đội sẽ thấy các cán bộ trung đội trưởng, cán bộ trung đội, đại đội và cán bộ tiểu đoàn là những người quản lý trực tiếp bộ đội.
Bộ đội làm gì, cán bộ thực hiện việc đó, từ khi báo thức đến tối đi ngủ. Kể cả khi bộ đội đi ngủ thì cán bộ thức để viết giáo án phục vụ cho huấn luyện hôm sau.
“Họ giống như giáo viên, tối viết giáo án, ban ngày huấn luyện. Đặc biệt khi diễn tập, bộ đội hành quân đi bộ hết. Cho nên tăng tuổi hưu lên thì cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn không đủ sức bám theo bộ đội”, ông lý giải.
Vì vậy quân đội sẽ nghiên cứu từng bước để sửa Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam phù hợp với đặc thù.
Bên cạnh đó, Thượng tướng Cương nêu rõ việc quy định thời gian công tác để phong quân hàm cấp tướng phải còn 3 năm để tránh tình trạng chỉ còn 1 năm công tác vẫn phong quân hàm.
Chiều 26-5, Đại tướng Phan Văn Giang - bộ trưởng Bộ Quốc phòng -thay mặt Chính phủ trình Quốc hội tờ trình dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.