Cha mẹ phải là người mà con trẻ sẵn sàng sẻ chia những tâm tư, tình cảm, những vui buồn, đổi thay trong cuộc sống hằng ngày của con.
1. Những lời không mong đợi
Tâm sự của một đứa trẻ dưới đây đã khiến những người làm cha, làm mẹ không chỉ đau lòng mà còn cảm thấy ân hận nếu thấy bóng dáng mình trong đó:
"Dù ba mẹ luôn đáp ứng cho con đầy đủ, thậm chí dư thừa những điều kiện trong cuộc sống nhưng sao con luôn thấy bế tắc, cô đơn. Chỉ cần con ngỏ ý thay điện thoại hay iPad, lập tức con sẽ có món đồ công nghệ xịn nhất vừa mới ra lò.
Một đứa trẻ mới 15 tuổi nhưng tiền không là vấn đề, bởi lúc nào sau những lần ghé qua nhà ba lại dúi vào tay con một xấp với lời dặn: Con thích gì cứ mua. Còn mẹ, dù hai mẹ con cùng một nhà nhưng việc cả hai ngồi ăn cơm cùng nhau đôi khi cũng là sự xa xỉ"...
Thế đó, đôi khi chúng ta cứ tưởng rằng chăm con, lo cho con cái ăn cái mặc đủ đầy, tạo điều kiện tối đa cho con học hành là chúng ta đã làm tốt vai trò của người cha, người mẹ. Thế nhưng, kể cả những khi được sống trong sự đủ đầy thì vì sao con trẻ vẫn cô đơn?
Đáng lo sợ hơn, là chính chúng ta lại không nhận ra điều đó.
2. Nhìn thấu con hay chính mình
- Biểu hiện
Con trẻ rơi vào trạng thái cô đơn thường có các biểu hiện như: không còn hứng thú học tập, lộ vẻ buồn rầu, cảm xúc bất thường, hay khóc, dễ cáu gắt, hoặc nghe đi nghe lại một bản nhạc nào đó, hay thức khuya và đắm chìm trong bóng tối, không dám nhìn vào mắt người đối diện, đặt niềm tin vào các mối quan hệ ảo, cảm thấy lạc lõng giữa đám đông...
Về mặt sức khỏe, con trẻ có thể thường xuyên than nhức đầu, đau bụng hay các triệu chứng bệnh khác không có nguyên do; khó ngủ và thường xuyên bị ác mộng; ăn không ngon; có những hành động khó kiểm soát như tự làm đau bản thân, tấn công người khác...
- Nguyên nhân
Về phía con trẻ, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ cô đơn như điểm số, áp lực học tập, bạo lực học đường, chuyện gia đình, mối quan hệ bạn bè, tình cảm mới lớn...
Về phía cha mẹ có thể do quá bận rộn công việc, chuyện cá nhân nên không còn nhiều thời gian dành cho con cái. Bên cạnh đó, việc cha mẹ quan tâm thái quá, can thiệp vào mọi vấn đề của con, luôn áp đặt con quá mức, hay tình cảm dành cho các con không đồng đều... cũng khiến con trẻ ngày càng ngột ngạt.
- Hệ lụy
Khi cô đơn, con trẻ thường sẽ rất thiếu tự tin. Sự thiếu tự tin đó có thể thể hiện ra ngoài bằng thái độ nhút nhát, khép mình; cũng có thể sự thiếu tự tin đó được thể hiện bằng sự thờ ơ, hoài nghi, chán nản, mất niềm tin với cuộc sống.
Cũng có thể con trẻ sẽ biến nỗi cô đơn của mình thành sự soi mói, dò xét, chê bai, căm ghét người khác. Vì thế, cô đơn lại chồng chất cô đơn, con càng ngày càng cô độc hơn.
Với những trẻ yếu đuối, các con lại lao vào tìm kiếm niềm tin ở bạn bè, hoặc những mối quan hệ trong thế giới ảo. Chính niềm tin thái quá đôi khi khiến các con có thể bị lạm dụng, bị xâm hại, bị lừa đảo.
- Cha mẹ cần làm gì?
Điều trẻ mong muốn từ cha mẹ đôi khi chỉ là sự chú ý, quan tâm lắng nghe và tương tác cảm xúc với cha mẹ để trẻ cảm thấy an toàn và tự tin. Chẳng hạn, chỉ đơn giản là cái ôm thật chặt của cha mẹ.
Cha mẹ cần có kế hoạch và cố gắng mỗi ngày dành ít nhất 30 phút đến 1 giờ thật chất lượng tương tác cảm xúc với con.
Trong khoảng thời gian này, cha mẹ cần bỏ hết công việc, tâm trạng không vui và điện thoại sang một bên để cùng con chơi đùa, cùng trò chuyện, cùng đọc sách, cùng làm việc nhà...
Con cái không đợi chúng ta giàu, không đợi chúng ta thành công, cũng không đợi chúng ta có thời gian mới lớn lên. Con luôn cần chúng ta như những cánh chim cùng con bay cao bay xa, để sau này khi con trẻ có trưởng thành, cha mẹ vẫn như một miền dấu yêu để con luôn khao khát tìm về.
Bây giờ rất khó để dạy con cái là ‘bông hoa này đẹp quá’, hay yêu cầu ‘các con ngắm hoàng hôn đi, hoàng hôn đẹp thế này cơ mà’, bởi các con thấy những thứ trong điện thoại của chúng đẹp hơn.