Cùng tham gia lễ viếng có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - thứ trưởng Bộ Quốc phòng, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương.
Được khởi công xây dựng từ năm 1990, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên mới được nâng cấp, mở rộng quy mô hơn 10ha, là nơi an nghỉ của hơn 1.800 liệt sĩ cùng phần mộ tập thể các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Trong cuộc chiến đấu này, các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc với ý chí "Một tấc không đi, một ly không dời", quyết tâm giữ vững từng mỏm đồi, vách đá, điểm cao bằng tinh thần quả cảm "Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử".
Riêng tại mặt trận Vị Xuyên, hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, hơn 9.000 người bị thương và hiện vẫn còn hàng nghìn hài cốt của cán bộ, chiến sĩ nằm rải rác trong khe đá, thung sâu chưa tìm thấy và quy tập được.
Chiến công và tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ đã trở thành bất tử, khắc ghi vào lịch sử dân tộc và mãi mãi được ghi nhớ trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Việt Nam.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, tri ân công lao các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
TTO - Tháng 7 là mùa vọng của người còn sống với người đã khuất, mùa tri ân những người lính đã ngã xuống cho Tổ quốc. Nhưng với những người lính Vị Xuyên tháng 7 còn có một ngày không thể nào quên: 12-7-1984, "ngày giỗ trận".